Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1-8-1930 – 1-8-2020)

Trí thức vững mạnh sẽ nâng tầm trí tuệ dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo, sáng 31-7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chủ trì hội nghị gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ…

Những người đồng hành, cùng sáng tạo với Đảng

Tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng khẳng định: Khi đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vững mạnh chính là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc Việt, tăng thêm sức mạnh nội sinh của đất nước. “Dù trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà luôn yêu nước nồng nàn, tự tôn, gắn bó và đồng hành với dân tộc. Cha ông ta đã tổng kết cực kỳ cô đọng và sâu sắc: Hiền tài là nguyên khí quốc gia!” - ông Vượng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vượng, bằng hoạt động kiên trì, thầm lặng, tâm huyết và đầy sáng tạo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực đã góp phần quan trọng đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, kém phát triển và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Theo ông Vượng, trước yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, hơn lúc nào hết, việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trở thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng. “Trí thức, văn nghệ sĩ không chỉ là người tiếp nhận định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng mà còn là người đồng hành tự nguyện, “đồng sáng tạo” với Đảng, với dân tộc trên con đường phát triển đất nước cường thịnh, bền vững”.

“Vì tương lai tươi sáng của dân tộc mà giới trí thức, văn nghệ sĩ đã và sẽ tiếp tục sáng tạo ra những công trình trí tuệ, tác phẩm chân thực, trong sáng, hợp lòng dân, có sức lan tỏa, hiệu ứng nhanh và sâu rộng trong xã hội, góp phần tạo đồng thuận, niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ ta” - ông Vượng nói.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (đứng giữa, vỗ tay) tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: VGP

Làm công tác trí vận phải là người am hiểu, có niềm tin

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là ngành tuyên giáo phải quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, về giáo dục và đào tạo, về khoa học và công nghệ...

Đồng thời kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách phù hợp, tháo gỡ bằng được những vướng mắc kéo dài lâu nay, tạo động lực sáng tạo của trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, gần nửa thế kỷ qua, đội ngũ văn nghệ sĩ vững bước, đồng hành cùng dân tộc. Nhiều tác phẩm tâm huyết của các thế hệ văn nghệ sĩ đã đi vào lòng người, trở thành hành trang quý báu của nhân dân ta. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, việc đi theo lý tưởng của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tự nguyện trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, sống và sáng tạo ở những nơi đầu sóng, ngọn gió, nguồn bão táp của đất nước, ở những mặt trận gian khổ, ác liệt nhất. Nhiều nghệ sĩ đã anh dũng ngã xuống như những người anh hùng.

GS-TS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bày tỏ: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, những trí thức Việt Nam chân chính, yêu nước bao giờ cũng đứng về phía đất nước, chia sẻ số phận với nhân dân.

Theo ông Minh, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, những người làm công tác vận động trí thức là người có uy tín, nhiệt huyết, am hiểu mục đích, ý nghĩa việc mình làm, thực sự tin điều mình nói. Có như vậy mới có thể động viên, thuyết phục được người khác, nhất là giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.

Trí thức trẻ không đứng phía sau cơn bão COVID-19

Tại hội nghị, PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cũng đưa đến hội nghị hình ảnh những cán bộ y học dự phòng trong cuộc chiến với dịch COVID-19.

Theo bà, đội ngũ đó đã có mặt ở các điểm nóng như Hạ Lôi, BV Bạch Mai, Đà Nẵng, sân bay quốc tế, các khu cách ly tập trung... Họ đã miệt mài truy vết virus SARS-CoV-2.

Là người tham gia tất cả hoạt động phòng, chống dịch từ năm 2003 đến nay, bà Mai cho hay cá nhân mình và các cán bộ làm việc trong hệ thống y học dự phòng đều chưa bao giờ nghĩ đến mục đích là làm công việc đó để được tặng thưởng, ghi nhận, có một huân chương nào đó, mà đều hướng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam và cả thế giới.

Bà chia sẻ: Nhiều bạn trẻ trong hệ thống y học dự phòng xin tham gia công tác chống dịch vì không muốn trở thành người phía sau nơi có dịch, mà muốn trở thành nhân chứng của tháng ngày khó khăn đáng nhớ của Việt Nam và thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm