Trên bảo cung cấp thông tin, dưới lơ

Ngày 23-1, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ quý IV. Liên quan đến thông tin một bộ có 12 dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng duyệt và có chín dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt có tổng mức đầu tư hơn 14.600 tỉ đồng, tại cuộc họp báo này, báo chí yêu cầu Thanh tra Chính phủ cho biết cụ thể đó là những dự án nào, thuộc bộ nào. Trước đó, thông tin này đã được nêu trong báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và được Thanh tra Chính phủ công bố tại Hội nghị tổng kết ngành vào ngày 22-1.

Trả lời nội dung này tại buổi họp báo, ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ Thanh tra kinh tế ngành (Vụ 1, Thanh tra Chính phủ), cho biết việc thanh tra này không phải do Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra mà là kết quả thanh tra tổng hợp từ kết quả các bộ, ngành và các địa phương thực hiện. Vì thế tên cụ thể từng dự án, từng bộ trong báo cáo chuyên đề không cụ thể, chi tiết. “Nếu cần thiết chi tiết từng dự án, từng tên của chủ đầu tư, báo chí có thể liên hệ để cung cấp cụ thể” - ông Bảy cho hay.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đang trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 23-1. Ảnh: T.HẰNG

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cũng giải thích thêm: “Đây là tự các bộ, UBND các tỉnh tự tổ chức thanh tra nhưng chúng tôi hướng dẫn kiểm tra và tổng hợp”. Theo ông Khánh, tới đây xử lý như thế nào thì Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng và chắc chắn sẽ có đề xuất từng vụ việc. “Chúng tôi có trong tay dự án gì, nằm ở bộ nào, ra sao…”, ông Khánh nói và đề nghị ông Bảy xem ngay những nội dung gì liên quan tới diện rộng thì cộng tác với báo chí để thông tin chính xác.

Sau buổi họp báo một nhóm phóng viên đã đi theo ông Bảy để được cung cấp thông tin cụ thể. Lúc này, ông Bảy đưa báo chí đến phòng của một cán bộ trực tiếp làm báo cáo này và cho hay ông Khánh có chỉ đạo cung cấp cho báo chí tên các dự án và bộ, ngành liên quan đến sự vụ này. Tuy nhiên, vị cán bộ này đã không cung cấp thông tin cụ thể với lý do “văn bản này chưa được Tổng Thanh tra ký duyệt, nếu cung cấp thông tin các bộ, ngành “bị lộ” có ý kiến thì không ai chịu trách nhiệm”.

Cũng tại cuộc họp báo này, liên quan việc thanh tra Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), báo chí đã đề nghị Thanh tra Chính phủ trả lời rõ vấn đề cấp phép cho dự án Formosa thuê đất 70 năm đúng hay không. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho hay hiện nay các quy định pháp luật đang có chỗ vênh nhau về thời gian cấp phép đối với các dự án như Formosa nên phải có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.

Cụ thể, theo Luật Đầu tư thì có thể cấp phép cho nhà đầu tư thuê sử dụng đất trong 50 năm; nếu thấy cần nhiều thời gian hơn phải báo cáo xin cấp trên. Nhưng Luật Đất đai thì lại có chỗ quy định được cấp phép sử dụng đất 70 năm. Tuy nhiên, theo ông Lượng điều quan trọng là dự án này ảnh hưởng đến phát triền kinh tế-xã hội, môi trường như thế nào, vì đây là dự án lớn có yếu tố nước ngoài nên cần xem xét kỹ.

Tại cuộc họp báo sáng 23-1, Thanh tra Chính phủ thông tin Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong 25 đơn vị sẽ được Thanh tra Chính phủ thanh tra chính thức trong năm 2015. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu của TKV. Nội dung này cũng sẽ được thanh tra tại Tập đoàn Dệt may và các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra công tác phòng, chống buôn lậu, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đầu tư mua sắm tài sản tại Tổng cục Hải quan và một số đơn vị trực thuộc. Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng được thanh tra trong năm nay. Trong đó Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra về công tác tín dụng, đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị tại MHB và thanh tra công giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại NHNN. Bốn bộ: LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Y tế, VH-TT&DL cùng Bộ NN&PTNT cũng nằm trong danh sách thanh tra trong năm nay.

Trong kế hoạch thanh tra này, Thanh tra Chính phủ còn tiến hành thanh tra một số nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 12 tỉnh, thành. Cùng với việc thanh tra 25 đơn vị, Thanh tra Chính phủ còn thực hiện kiểm tra về thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại năm tỉnh, thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm