Tranh nhau đường thoát nước

Luật cho phép người dân có quyền mở đường thoát nước qua đất người khác... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phải hiểu quy định này theo hướng khi không còn lối nào khác để mở đường thoát nước thì họ mới được dùng quyền này chứ không thể yêu cầu thế nào cũng được...

Hai gia đình gặp rắc rối

Hơn 40 năm qua, gia đình ông T. và người hàng xóm bên cạnh dùng chung đường thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa rộng khoảng nửa mét ở giữa hai nhà. Tuy nhiên, sau này khi gia đình ông T. lấp toàn bộ đường nước, người hàng xóm khởi kiện, yêu cầu trả lại nguyên trạng...

Được tòa mời, ông T. trình bày phần đất làm đường thoát nước trên là của gia đình ông và đất giữa hai nhà có ranh giới rõ ràng. Mặt khác, nhà hàng xóm cũng đã có đường thoát nước khác thì không lý gì lại đòi thoát nước trên đất nhà ông.

Sau khi hai bên không thể thống nhất, tháng 8-2011, TAND TP Vị Thanh (Hậu Giang) đưa vụ án ra xét xử và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông T. dỡ phần công trình đã xây dựng, mở lại lối thoát nước cho gia đình hàng xóm sử dụng...

Tranh nhau đường thoát nước ảnh 1

Phải mở cho hàng xóm

Xử phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục tuyên nguyên đơn thắng kiện. Theo tòa, mặc dù nguyên đơn thừa nhận đất là của bị đơn nhưng bị đơn tự ý xây công trình ngăn lối thoát nước sử dụng chung từ lâu của hai gia đình là không đúng. Điều 273 Bộ luật Dân sự quy định: Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý... Đồng thời Điều 277 Bộ luật Dân sự cũng nêu: Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy... Do vậy, theo quy định trên, tòa buộc ông T. phải tháo dỡ toàn bộ các công trình đã xây (kể cả phần không gian) để mở lối thoát nước cho nguyên đơn là phù hợp...

* * *

Mới đây, gia đình ông T. đã gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Phía này bảo nhà ông hàng xóm nằm ngay mặt tiền đường, bên hông bên kia còn có hẻm xi măng rộng hơn 2 m, có đầy đủ hệ thống thoát nước nên nhà không hề bị bao vây, cô lập gì cả. Do vậy nhà ông hàng xóm không nhất thiết phải mở thêm đường thoát nước ở giữa hai nhà nữa. Phía ông T. cho rằng tòa thiếu đi thực tế nên đưa ra phán quyết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình ông...

Phán quyết của tòa chưa phù hợp

Cần phải hiểu quyền thoát nước qua bất động sản liền kề theo quy định của Điều 273, 277 Bộ luật Dân sự là chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất chỉ sử dụng bất động sản liền kề làm đường thoát nước khi trong phạm vi đất của họ không có phần diện tích nào để mở đường thoát nước. Nếu hàng xóm của ông T. có thể đặt một phần đường cống thoát nước trong đất của mình thì người này phải đặt đường cống trên phần đất của mình trước. Nếu đã sử dụng diện tích của mình để đặt đường cống mà vẫn chưa đến điểm thoát nước thì sau đó người hàng xóm của ông T. mới có quyền yêu cầu người khác cho đặt đoạn thoát nước còn lại đến điểm thoát nước.

Với các nội dung mà báo phản ánh, tôi cho rằng tòa xem xét xử lý như trên là không phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông T. vì hàng xóm của ông này đã có nhiều phương án thoát nước chứ không phải nhất thiết phải thoát nước qua đất ông T.

Luật sư TRẦN THANH PHONG, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm