Tranh luận về biện pháp cắt điện, nước công trình vi phạm

Sáng 10-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận liên quan đến đề xuất “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Bên ủng hộ: Luật pháp phải nghiêm minh

Theo tờ trình của Chính phủ, đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC). Cơ quan soạn thảo cho rằng việc bổ sung biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng thể hiện quyền lực nhà nước, áp dụng trực tiếp với các cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt.

Điều này giúp ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan và bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT. Ảnh: TP

Thảo luận tại tổ TP.HCM, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê ủng hộ đề xuất trên của Chính phủ. Ông cho hay Đoàn TP.HCM đi giám sát về vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí ở các khu công nghiệp sản xuất tập trung. “Có doanh nghiệp biên bản xử phạt VPHC xếp 1 tập dày gần như vở học sinh nhưng họ không chấp hành, nhưng rồi không thể nào cưỡng chế được”, ông Khuê nói.

Theo ĐB này, Bộ Công Thương đặt ra vấn đề không được cúp điện nước. Do vậy, sau khi đoàn kiểm tra đi, doanh nghiệp họ vẫn sản xuất như bình thường, thậm chí còn tăng mức độ ô nhiễm. Thậm chí có trường hợp sau 2, 3 lần lập biên bản thì chuyển nhượng DN đó cho người khác. “Đặt ra chế tài xử phạt nhưng chúng ta lại phải làm một cuộc rượt đuổi. Luật pháp bị coi như một trò đùa, hiệu lực pháp luật gần như bị triệt tiêu dẫn đến sự ca thán của xã hội ở nhiều khía cạnh”, ông Khuê bình luận.

Bên phản đối: Không nên nhằm vào nhu cầu sống tối thiểu

Ủng hộ việc bổ sung quy định trên vào dự thảo, tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng có lúc đây là biện pháp chăn chặn, có lúc là biện pháp cưỡng chế. Ông dẫn chứng, xây nhà trên núi vi phạm thì cắt luôn điện nước là hợp lý. Nhưng ở khu dân cư, hộ sản xuất bánh mỳ, nước đá… vi phạm thì việc cắt điện cắt nước phải thận trọng. “Khi áp dụng biện pháp này, chính quyền địa phương phải rà trường hợp cụ thể để áp dụng. Chứ trong một nhà mà ông chồng vi phạm rồi cắt điện, nước thì vợ, con họ sống thế nào”, ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP. HCM Dương Ngọc Hải lại cho rằng coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế là “chưa đúng”. “Cưỡng chế là cái của người khác, mình thu giữ. Còn điện nước không phải của người ta mà thông qua dịch vụ. Đây là biện pháp ngăn chặn thì hợp lý và đúng hơn”, ông Hải nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: TP

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng bày tỏ sự không tán thành với biện pháp trừng phạt cắt điện, nước đối với cá nhân tổ chức không chịu thi hành chế tài hành chính đối với vi phạm của họ. Ông cho rằng chỉ nên quy định khi biện pháp này phải hướng đến cắt nguồn nguyên liệu để trừng phạt các hoạt động sản xuất kinh doanh để nhắc nhở họ thực hiện tốt các chế tài hành chính. Điều này khác với trừng phạt hướng vào nhu cầu cuộc sống của con người. Nếu như lẫn lộn cái này thì mục đích của biện pháp xử phạt sẽ thay đổi về bản chất.

Ông nhấn mạnh chế độ của Việt Nam ưu việt ở chỗ là đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của con người, bình đẳng của con người. Kể cả khi họ vi phạm pháp luật nhưng nhu cầu tối thiểu nhất về điện nước phải đảm bảo cho người ta vì nó gắn với sinh mạng con người. “Một DN bán hàng nếu không thực hiện biện pháp chế tài hành chính thì chúng ta cắt nguồn điện, nước phục vụ sản xuất kinh doanh chứ cắt nguồn điện, nước sinh hoạt để họ chết khát, chết nóng thì không nhân đạo chút nào. Tôi phản đối cái này” – ĐB Vân nói.

Còn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thì cho răng đây là giải pháp không cần thiết vì suy cho cùng cũng nhắm đến mặt kinh tế của tổ chức, cá nhân. “Ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân cũng bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng ngành công nhân mà dừng cung cấp nước thì sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này. Nó sẽ tác động ghê gớm. Chúng ta nói sẽ xử lý ở vị trí cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nói là nhẹ nhàng nhưng hậu quả phía sau có thể rất lớn” – ông Thể nói.

Theo đó ông đề nghị hình thức bổ sung nếu vi phạm có thể phạt tăng gấp 10 - 50 lần mức vi phạm hiện nay, tức phạt bổ sung nhưng đánh thẳng vào kinh tế. “Nếu anh chậm, vi phạm, lặp đi lặp lại hoặc có vấn đề thì tôi sẽ có biện pháp xử phạt rất cao. Đánh thẳng vào kinh tế, cũng là kinh tế nhưng không gây ảnh hưởng đến xã hội, cũng là kinh tế và nó tác động lớn và những người vi phạm phải chấp hành” – ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm