Tranh luận thay vì đọc văn bản

Hôm qua 14-7, phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tập trung đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 14-7. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chất vấn chưa đạt như mong đợi của cử tri

Đánh giá chung về kỳ họp 9 vừa qua, đa phần đại biểu (ĐB) đều nhất trí sau hơn một tháng làm việc kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kỳ họp vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng kết quả chất vấn và trả lời chất vấn vẫn chưa đạt như mong đợi của cử tri. Nhiều câu trả lời lặp lại, người trả lời còn chưa nắm rõ thực trạng trước các vấn đề mà ĐBQH chất vấn. “Việc xảy ra ở một địa bàn cụ thể, trách nhiệm không thuộc về bộ trưởng nhưng tồn tại đó lặp đi lặp lại nhiều lần, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm” - ông Lý nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì cho rằng cần tăng thêm phần tranh luận tại các phiên thảo luận, tránh việc ĐB chỉ đọc văn bản. “Phiên họp có tranh luận đều rất hay, cuốn hút tất cả tham gia, từ người trong hội trường, các cơ quan báo chí và cử tri cả nước. Đáng tiếc là không phải phiên họp nào chúng ta cũng làm được điều này. Thậm chí có những bài phát biểu trùng lặp nhau nên nghe rất mệt” - bà Mai nói.

Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng đề cập đến việc ĐBQH vắng họp, tình trạng một số đoàn ĐBQH chậm tham gia góp ý vào dự án luật, thậm chí có đoàn còn không gửi ý kiến. Đáng chú ý là việc kỳ họp vừa qua có nhiều tài liệu “không chính thức” không biết bằng cách nào lọt vào ngăn bàn của các ĐBQH. “Có một số thông tin, tài liệu gửi đến ĐBQH, trong đó có những vấn đề đi ngược chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng. Tôi nhận được một cái phong bì rất dày, thấy văn phòng đoàn đưa đến, cái này không những chứa tài liệu không tốt mà nó cũng có thể trở thành phương tiện khủng bố” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh của QH Nguyễn Kim Khoa chia sẻ.

Đánh giá cho đúng, đừng bôi đen, tô hồng

Về việc chuẩn bị cho kỳ họp 10, QH khóa XIII tới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị kỳ họp này nên “chất vấn tổng thể, không chất vấn từng người” như chín kỳ họp trước đây. Vì vậy báo cáo chất vấn của kỳ họp 10 phải tổng hợp được những vấn đề lớn, những điểm lớn… của những nội dung đã từng chất vấn trong suốt năm năm qua. “Chẳng hạn như vấn đề an toàn hồ đập thủy điện, trước, giờ, sau này thế nào. Kỳ họp nào cũng đặt ra, giờ làm đến đâu rồi. Hoặc vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế đến giờ thế nào…” - ông Hùng gợi ý.

Chủ tịch QH cũng đề nghị do kỳ họp tới phải xem xét nhiều dự án luật quan trọng, vì vậy cơ quan soạn thảo, chuẩn bị dự án luật cần phải trình đúng hạn, đạt chất lượng, nếu không đạt thì phải loại bỏ khỏi chương trình.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp 10, QH khóa XIII tới đây sẽ kéo dài khoảng 28,25 ngày, trong đó dành 10,75 ngày để xem xét thông qua 16 dự án luật, một dự thảo nghị quyết và chín ngày để xém xét các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Bên cạnh đó Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về kế hoạch triển khai tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị mỗi ĐBQH cũng phải làm tổng kết để ngẫm lại sau năm năm làm ĐBQH mình đã làm được gì để báo cáo với cử tri… “Tổng kết lại thì đánh giá cho trúng, đừng bôi đen, tô hồng. Rút ra bài học thì bài học gì cho QH? Cụ thể là đoàn ĐBQH, hội đồng dân tộc, các ủy ban và ĐBQH cần rút ra bài học gì trong nhiệm kỳ QH khóa XIII. QH đã đổi mới, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chưa?...” - ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm