Tránh chồng chéo trong việc kiểm soát tài sản, tài chính công

Ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 37 cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Tránh chồng chéo, cản trở phát triển

Sau khi Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án luật. Dự án luật này cũng đã được báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8 trong phiên họp thứ 36 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Ông Hải cho hay dự thảo luật này đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và KTNN. Hiện nay cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, được quy định tại hai luật khác nhau nhưng đều cần thiết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

“Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nếu không có sự phối hợp tốt giữa KTNN và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển” - ông Hải trình bày.

Vì vậy, dự luật lần này đã quy định trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao KTNN chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lắp”. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nếu quá trình phối hợp, KTNN và các cơ quan thanh tra không thống nhất được thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ xem xét, quyết định.

Đại diện Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng dự thảo luật lần này mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật KTNN và hiến pháp. Cũng có ý kiến nói đối tượng kiểm toán theo dự thảo luật là rất rộng, cần thu hẹp lại, đồng thời có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán…

Thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách công nhận điều này và nói các khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán. Vì vậy, quy định này trong dự thảo đã được “tiếp thu” theo hướng bỏ và bổ sung phần giải thích thuật ngữ để làm rõ.

 “Không phải chỗ nào cũng vào được”

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng nếu giải thích thuật ngữ theo hướng “có dấu hiệu vi phạm” thì không khả thi. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, cho rằng: Đối tượng kiểm toán đã được lên kế hoạch và quy định về đối tượng kiểm toán phải được kiểm soát để tránh lạm dụng. “Chủ tịch Quốc hội cũng nói không phải chỗ nào cũng vào được” - bà Hải nói.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng nói luật hiện hành chưa nói như thế nào là đơn vị, cá nhân liên quan nên dự luật này cần giải thích. Nếu giải thích không rõ ràng thì nên giữ nguyên thực tế cũng không có vướng mắc nhiều. Tuy vậy, ông Phớc không đồng tình với việc khi có dấu hiệu vi phạm thì kiểm toán không được tiếp cận kiểm tra. Bởi “không tiếp cận thì làm sao làm rõ vi phạm. Nếu đã có dấu hiệu vi phạm thì phải chuyển cơ quan điều tra, chỗ nào có sử dụng tài sản, tài chính công thì phải được kiểm tra”. Ông Phớc nêu: “Ví dụ có dòng tiền chuyển từ A sang B thì kiểm toán có quyền kiểm tra xem có đúng không”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với hướng không mở rộng đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, ông Hiển nói trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những hoạt động cần kiểm toán để làm rõ hơn. Vì vậy, ông Hiển cũng đồng ý bổ sung khái niệm để làm rõ “các hoạt động có liên quan đến hoạt động sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Cũng vậy, về phạm vi thì cũng cần làm rõ mở rộng phạm vi kiểm toán như thế nào, theo hướng đối chiếu hay bổ sung kế hoạch kiểm toán.

Có ý kiến băn khoăn về việc phải chấp hành kiến nghị của kiểm toán, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói theo luật thì kiến nghị của kiểm toán là bắt buộc chấp hành. Còn việc doanh nghiệp khiếu nại thì đã có quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ: Nếu kết luận của kiểm toán đó trái pháp luật thì phải kiện. Nếu biết sai mà đối tượng kiểm toán vẫn thực hiện thì hậu quả là rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích rằng: Luật nói trong thời gian khiếu nại kết luận kiểm toán thì vẫn phải chấp hành. Trường hợp nếu kết luận sai thì bên ra kết luận phải chịu trách nhiệm, phải đền bù.

Tổng KTNN nói thêm: Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào kiểm toán phải đền bù mà chỉ “xin lỗi thôi”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng khiếu nại thì xảy ra thường xuyên. Nếu cứ có khiếu nại mà dừng lại ngay thì không biết hiệu quả, hiệu lực của kiểm toán sẽ như thế nào.

Không quy định kiểm toán nhà nước giám định tư pháp?

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi các cơ quan đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể phục vụ quá trình xem xét, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tuy vậy, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nói nếu bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN thì lĩnh vực giám định của KTNN sẽ là tài chính công, tài sản công. Việc này gây ra chồng chéo với nhiệm vụ giám định tư pháp của nhiều cơ quan, đơn vị đã quy định trong Luật Giám định tư pháp cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm