Tranh chấp quyền nuôi con, một MC truyền hình thắng kiện

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa đình chỉ xét xử phúc thẩm một vụ tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn giữa một MC Đài Truyền hình TP.HCM với chồng cũ là ông J. (quốc tịch Mỹ).

Tháng 10-2008, MC này đã khởi kiện ra TAND TP.HCM xin được thay đổi người trực tiếp nuôi con. Theo đơn kiện, năm 2002, bà và ông J. kết hôn, đến năm 2005 thì thuận tình chia tay. Giữa hai người có một con gái chung, hai bên thỏa thuận giao cho ông J. trực tiếp nuôi dưỡng.

Sau khi ly hôn, con gái vẫn ở với ông J. tại Việt Nam nhưng đến năm 2008, mẹ ông J. đã đón cháu sang ở hẳn bên Mỹ dù không có sự đồng ý của bà. Ông J. thì vẫn ở lại làm ăn tại Việt Nam, không trực tiếp nuôi con.

Do con gái còn nhỏ, cần sự chăm sóc của người mẹ nên bà yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Hiện bà vẫn độc thân, có khả năng chăm sóc tốt con gái. Hơn nữa, việc ông J. đưa con sang Mỹ đã gây khó khăn cho bà khi thăm con.

Ngược lại, ông J. không đồng ý giao con lại cho vợ cũ vì cho rằng con gái đang sống ổn định với mẹ ông, đi học bình thường. Mặt khác, ông sẽ sắp xếp về lại Mỹ để sống gần con hơn.

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2009, TAND TP.HCM nhận định ông J. đã không làm tròn bổn phận của người cha như chưa về Mỹ thăm con, phó mặc con cho bà nội đã 65 tuổi chăm sóc. Mặt khác, cháu gái này chưa đầy bảy tuổi, rất cần sự chăm sóc, quan tâm, âu yếm của người mẹ để hình thành tính cách khi trưởng thành. Chưa kể, ông J. tự ý đưa con sang Mỹ, không thỏa thuận với vợ cũ, gây khó khăn cho vợ cũ khi thăm con. Tháng 5-2009, khi người vợ cũ sang thăm con cũng đã bị người thân của ông J. cản trở.

Theo tòa sơ thẩm, vì cả hai người đều đang ở Việt Nam nên việc đưa cháu gái về nước nuôi dưỡng là hợp lý cho việc thăm nom, chăm sóc của cả hai bên. Vì lợi ích của trẻ thơ, tòa đã chấp nhận việc xin thay đổi người trực tiếp nuôi con của nguyên đơn, giao cháu gái cho mẹ cháu nuôi duỡng, chăm sóc.

Sau đó, ông J. kháng cáo. Tuy nhiên, sau nhiều lần triệu tập hợp lệ mà ông J. không đến, tòa phúc thẩm đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tức bản án sơ thẩm trên đã có hiệu lực pháp luật.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm