Tranh chấp ở chung cư Victoria Hà Đông làm nóng phiên chất vấn

Theo các đại biểu vụ việc này là điển hình cho mâu thuẫn mới phát sinh trong quá trình chấp hành pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP.

Vì sao cư dân Victoria phải căng băng rôn, khiếu kiện?.

Đó là câu hỏi được ĐB Nguyễn Thanh Bình (tổ Sóc Sơn) đưa ra khi chất vấn UBND TP Hà Nội về việc quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn.

ĐB Nguyễn Thanh Bình - tổ Sóc Sơn

Theo ông Bình, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện của người dân sinh sống tại các khu chung cư xảy ra đặc biệt nhiều. Có tòa nhà chung cư đã thành lập được Ban quản trị cũng có nơi chưa thành lập. Nhưng với chung cư đã thành lập được Ban quản trị thì lại xảy ra mâu thuẫn giữa Ban quản trị và cư dân như không công khai, minh bạch quản lý tòa nhà. Từ đó dẫn đến việc cư dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

“Có hiện tượng căng băng rôn, gửi đơn thư khiếu kiện gay gắt. Điển hình như vụ việc ở chung cư Victoria ở Hà Đông. Để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm của Ban quản trị ở chung cư đó như thế nào, trách nhiệm của chính quyền địa phương (UBND quận Hà Đông) trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm của những Ban quản trị đó ra sao?” - ông Bình đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho hay toàn quận Hà Đông có 70 tòa nhà, cụm chung cư đã đi vào hoạt động; đã thành lập được 59 ban quản trị, trong quý III sẽ thành lập tiếp Ban quản trị của bốn tòa  nhà nữa.

Ông Phụng thừa nhận trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, vướng mắc giữa chủ đầu tư với ban quản trị, giữa ban quản trị với người dân. Đặc biệt là trường hợp của tòa chung cư Victoria ở khu đô thị Văn Phú Invest.

Theo ông Phụng, vụ việc phức tạp ở chung cư Victoria, chủ đầu tư đã bàn giao 100% quỹ bảo trì cho ban quan trị. Tuy nhiên, cư dân cho rằng ban quản trị không minh bạch trong quản lý tài chính, năng lực quản lý yếu kém. Vì vậy, người dân đã tập hợp 775 chữ ký vào đơn kiến nghị thay thế ban quản trị.

“UBND quận đã chỉ đạo phường và các phòng ban liên quan có 5 buổi làm việc với Ban quản trị và cư dân nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Ngày 1-6 vừa qua, người dân đã tập trung biểu tình, phản đối ban quản trị với băng rôn khẩu hiệu. Quận sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết vấn đề tại chung cư Victoria. Trong tháng 7-2018 này sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để lấy tín nhiệm của cư dân xem có thay thế ban quản trị hay không” – ông Phụng thông tin.

Chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, ai chịu trách nhiệm?

Một trong những bất cập trong quản lý chung cư hiện nay được các ĐB nêu ra là số tiền bảo trì chung cư do cư dân đóng cho chủ đầu tư khi mua nhà bị chiếm dụng, không được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị tòa nhà.

Theo các ĐB, nhiều tòa chung cư không có quỹ bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, nhiều tòa chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập ban quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật.

ĐB Nguyễn Nguyên Quân - tổ Hoàng Mai

“Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề này và cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới?” - ĐB Nguyễn Nguyên Quân (tổ Hoàng Mai) đặt câu hỏi.

Trả lời, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận những vấn đề tồn tại nêu trên là hoàn toàn đúng. Theo ông Dục, với nhà thương mại, việc các chủ đầu tư chậm bàn giao, chậm tổ chức hội nghị chung cư là có. Nguyên nhân của việc này là do chủ đầu tư không muốn tổ chức hoặc tổ chức thì số cư dân chưa vào đủ nên không tổ chức được. Nguyên nhân thứ hai là chủ đầu tư tổ chức nhưng người tham gia chưa đầy đủ. 

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội

Về chính quyền, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư; bàn giao hồ sơ, bàn giao diện tích chung, riêng; sinh hoạt cộng đồng cũng có một phần trách nhiệm thuộc về UBND các quận, huyện. Sở Xây dựng hiện nay chịu trách nhiệm về vấn đề yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì. 

“Hiện nay chưa chế tài đủ sức răn đe. Đến thời điểm này mới có 184/688 chung cư thực hiện, tỉ lệ này thấp quá nên dẫn đến tranh chấp. Trách nhiệm này thuộc về Sở Xây dựng” - ông Dục thừa nhận.

Theo giám đốc Sở Xây dựng, thời gian tới sẽ sử dụng biện pháp là tham mưu UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế đối với những chủ đầu tư cố tình vi phạm, chậm bàn giao quỹ bảo trì. Bên cạnh đó, ông Dục cũng đề nghị UBND các quận, huyện cũng phải tích cực vào cuộc để đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm