Tranh cãi sửa luật về quy hoạch

Do còn nhiều ý kiến, chiều 9-11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận vòng 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch trước khi thông qua.

Quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh: Tách ra hay gom lại?

Tư tưởng chủ đạo của Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ 1-1-2019) là tích hợp các quy hoạch rời rạc thành thống nhất và định hướng, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch.

Tuy nhiên, việc sửa 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên giữ hay bỏ quy hoạch xây dựng (QHXD) tỉnh. Ý kiến ủng hộ bỏ cho rằng quy hoạch tỉnh đã bao gồm QHXD tỉnh, vì vậy nếu giữ sẽ gây trùng lặp, lãng phí. Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại cho rằng phải giữ QHXD tỉnh như hiện hành. Hiện nay, nhiều tỉnh/thành đã lập QHXD tỉnh cho giai đoạn 10-30 năm tới và đang phát huy tốt, không xung đột với dự thảo luật. Việc bỏ QHXD tỉnh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh là không cần thiết, khó triển khai trên thực tiễn.

Trước các tranh luận này, ngày 4-10, Chính phủ tiếp tục có tờ trình về dự án luật này để trình Quốc hội. Chính phủ đề xuất QHXD tỉnh là công cụ để “cụ thể hóa nội dung của quy hoạch tỉnh”. Công cụ này gồm “thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về QHXD, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, chuẩn bị kỹ thuật, xử lý nước thải, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch các đô thị đang dựa vào căn cứ quy hoạch xây dựng của tỉnh, thành.  Ảnh: HTD

Hai loại khác nhau, không nên bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh

Trong một diễn biến khác, ngày 8-11, Ủy ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra dự luật, đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch để kịp thời cung cấp các dữ liệu cho Quốc hội thảo luận vào ngày 9-11.

Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng quy hoạch tỉnh là quy hoạch định hướng các vấn đề, chiến lược lớn, theo hướng tổng thể, tích hợp đa ngành và để làm sao các ngành không có các định hướng chồng lấn, giẫm chân lên nhau. “Còn lại đầu tư xây dựng cụ thể như thế nào, ở đâu, quy mô ra sao, hình dáng ra sao, kết nối với nhau như thế nào là nhiệm vụ của QHXD tỉnh…” - ông Liêm nói.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, thì cho rằng quy hoạch tỉnh theo đề xuất trong Luật Quy hoạch và QHXD tỉnh được đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch có nội hàm khác nhau. “Ai đó cho rằng nội dung của QHXD tỉnh này đã tích hợp trong quy hoạch tỉnh thì chưa thực sự đầy đủ, chính xác” - ông Nghiêm phân tích và tán thành việc đưa QHXD tỉnh vào trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về quy hoạch.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng nếu tích hợp QHXD vào quy hoạch tỉnh thì rất khó khả thi trong điều kiện bộ máy tổ chức hiện nay. Theo ông, nếu quy hoạch tích hợp sẽ do một cơ quan chủ trì (cụ thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư) trong khi để triển khai thì phải gắn với lĩnh vực chuyên biệt của từng ngành như xây dựng, đất đai. “Liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh có chỉ đạo được các sở khác để làm hay không, rồi làm xong có được thực thi hay không” - ông Võ phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm