Tranh cãi nhiệm vụ biên phòng chồng lấn với công an, hải quan

Ngày 19-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Biên phòng và một trong những nội dung được các đại biểu tranh luận nhiều là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng có sự chồng chéo với công an, hải quan.

Tranh cãi nhiệm vụ biên phòng chồng lấn với công an, hải quan ảnh 1
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang). Ảnh: quochoi.vn

Trùng lắp nhiệm vụ
Phát biểu tại hội trường, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho hay một số quy định tại dự thảo luật về thực hiện nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm của lực lượng biên phòng có sự trùng lắp với nhiệm vụ của công an.
“Do đó, việc quy định giao cho bộ đội biên phòng nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đề nghị chỉ nên quy định theo hướng bộ đội biên phòng có nhiệm vụ phối hợp với Công an trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới” - ông Tín nói.
Không đồng ý ĐB Tín, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) tranh luận lại.
ĐB Bộ lập luận việc không giao cho công an quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, bởi nhiều lý do. Trong đó có việc giữ gìn, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới hoàn toàn khác với ở trong nội địa.
“Việc giao cho quân đội, thực chất là giao cho bộ đội biên phòng, luôn luôn là một chủ trương của Đảng, của Nhà nước khi giao cho Bộ Quốc phòng quản lý bộ đội biên phòng” - ông nói.

Theo ông Bộ, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng cho phép bộ đội biên phòng được điều tra ban đầu và sau đó giao cho công an.

“Nếu giao cho công an thực hiện chức năng này thì sẽ dẫn tới bất cập. Bất cập thứ nhất là trái với Nghị quyết của Đảng. Bất cập thứ hai là công an phải tăng cường lực lượng rất lớn” - ĐB Bộ nhấn mạnh.
Còn ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn chứng quy định của pháp luật cho phép hải quan được kiểm tra phương tiện của khu vực hải quan quản lý. Đồng thời cho phép biên phòng được quyền kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu sai phạm.
“Tôi cho rằng, dùng từ 'khi có dấu hiệu sai phạm', nghe rất mơ hồ. Vì khi kiểm tra phương tiện A, phương tiện B qua biên giới, có dấu hiệu sai phạm, chở đồ đạc lậu, anh dừng lại kiểm tra nhưng khi anh kiểm tra không có thì sao? Nhiệm vụ này của hải quan cũng kiểm tra, của biên phòng cũng kiểm tra. Tôi cho rằng rất chồng chéo” - ĐB Hòa nói và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Tuy nhiên ĐB Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) thì lại có cái nhìn ngược lại. Ông cho rằng cả hai lực lượng cùng kiểm tra một phương tiện ở trên cửa khẩu nhưng mục đích khác nhau.
“Hải quan kiểm tra hàng hóa, đối chiếu với tờ khai hải quan xem có gian lận thương mại không, có sai về số lượng, chất lượng không. Biên phòng không kiểm tra cái đó, biên phòng kiểm tra về mặt an ninh, phát hiện trên xe đó có giấu vũ khí không, ma túy, tài liệu phản động hay không. Mục đích kiểm tra hoàn toàn khác nhau, không chồng chéo nhau”- ĐB Hạnh phân tích.
Biên phòng phải là lực lượng chủ trì ở biên giới
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu quan điểm Luật Biên phòng chính là luật tổ chức nhiệm vụ quản lý biên giới quốc gia, và nhiệm vụ này được giao lực lượng biên phòng. Theo ông thực tiễn nhiều năm qua lực lượng biên phòng đã làm tốt chức năng này. Lực lượng biên phòng vừa phòng thủ, bảo vệ biên giới mà còn xây dựng được thế trận lòng dân rất vững chắc.
“Tôi tán thành với đa số đại biểu Quốc hội cũng như Ban soạn thảo là giao nhiệm vụ chủ chốt cho lực lượng biên phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý ở biên giới, còn các lực lượng khác chỉ là những lực lượng phối hợp do lực lượng biên phòng chủ trì” - ĐB Vân nhấn mạnh

Tranh cãi nhiệm vụ biên phòng chồng lấn với công an, hải quan ảnh 2
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình trước Quốc hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chức năng duy trì an ninh trật tự ở khu biên giới cửa khẩu là công tác được Đảng, nhà nước giao cho lực lượng biên phòng và được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Qua 60 năm thành lập (trong đó có 28 năm thuộc Bộ Công an và 32 năm thuộc Bộ Quốc phòng), lực lượng biên phòng đã luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.   

“Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ đội biên phòng luôn tuân thủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và các lực lượng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, dự thảo luật quy định bộ đội biên phòng có chức năng duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới cửa khẩu là có cơ sở và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”, ông nói.
Về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu, Bộ trưởng Quốc phòng thông tin hiện bộ đội biên phòng đang kiểm soát 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 37 cửa khẩu cảng.
Bộ đội biên phòng luôn phối hợp với các lực lượng khác tại cửa khẩu như hải quan, kiểm dịch, cảng vụ… Tuy nhiên gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuất nhập cảnh buôn lậu diễn biến phức tạp. Bộ đội biên phòng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu.
“Như vậy, việc kiểm tra hàng hóa do hải quan chủ trì, bộ đội biên phòng kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của hải quan” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm