Trắng đêm truy tìm heo nhiễm chất cấm

Khuya 22-1, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, bất ngờ có mặt tại cơ sở giết mổ An Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Toát mồ hôi lấy nước tiểu heo

Đêm đó, hơn 3.000 con heo từ các tỉnh đưa về để giết mổ và được nhốt từng lô. Từ nhiều nguồn tin khác nhau, đoàn kiểm tra do ông Phát phụ trách đã đột xuất có mặt tại cơ sở này lúc hơn 23 giờ để kiểm tra việc sử dụng chất cấm cho heo.

Sau khi nhận định có sự hiện diện nhiều lô heo nghi ngờ có sử dụng chất cấm, ông Phát chỉ đạo lực lượng thú y lấy mẫu nước tiểu của heo. Dụng cụ lấy mẫu giống chiếc phễu gắn với ống thủy tinh đựng nước tiểu, được nối với đoạn cây khá dài.

Theo yêu cầu, mỗi lô lấy ba mẫu. Việc lấy mẫu tưởng đơn giản nhưng thực chất lại vất vả, mất nhiều thời gian. Nhân viên lấy mẫu vừa bước vào thì đàn heo lập tức kêu la inh ỏi, dồn về một góc. Họ phải xua heo tản ra và quan sát chúng… tè để hứng nước tiểu. Nhân viên chờ suốt 10 phút nhưng không con nào chịu “xả” nên họ mở vòi nước xịt lên chúng. “Chỉ khi thực sự mắc tiểu thì chúng mới tiểu nhưng được làm mát thì heo sẽ dễ tiểu” - một nhân viên cười, giải thích.

Quả thật, sau khi được tắm mát, một số con heo dạng chân và… tè. Nhân viên lấy mẫu nhanh chóng kê phễu vào hứng nhưng phải gần 20 phút thì mới lấy đủ ba mẫu.

Lúc này đồng hồ đã gần qua 24 giờ, trời se lạnh nhưng trán người nhân viên này toát mồ hôi hột. “Lần này cũng là nhanh rồi. Nhiều lúc việc lấy mẫu nước tiểu heo kéo dài cả nửa tiếng” - nhân viên này nói.


Nhân viên Chi cục Thú y TP.HCM chuẩn bị lấy mẫu. Ảnh: T.NGỌC

Xét nghiệm tại chỗ

Nước tiểu heo sau đó được phân tích bán định lượng tại chỗ. Nếu kết quả tồn dư chất cấm cao hơn 2 ppb thì lô heo này bị giữ lại. Tối hôm đó, Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu nước tiểu của 20 lô heo và phát hiện hai lô có nguồn gốc từ Đồng Nai (tổng cộng 38 con) nhiễm chất cấm.

Từ kết quả này, ông Phát yêu cầu tạm giữ 38 con heo nói trên. Sau đó, mẫu nước tiểu của hai lô heo này sẽ được gửi tới một trung tâm xét nghiệm có chức năng ở TP.HCM để phân tích định lượng.

Tuy nhiên, chủ một lô heo không đồng tình với kết quả phân tích nhanh trên. “Tôi đề nghị xét nghiệm nước tiểu lần hai. Nếu kết quả dương tính tồn dư chất cấm, tôi đồng ý tiêu hủy ngay” - chủ lô heo này quả quyết.

Ông Phát chấp thuận. Tuy nhiên, do đàn heo tám con đã “xả” hết nước tiểu nên các nhân viên chi cục chờ hoài vẫn không thể lấy được mẫu. Cuối cùng, ông Phát quyết cho giết mổ hai con heo, lấy nước tiểu còn đọng trong bàng quang để xét nghiệm tại chỗ. Kết quả phân tích cho thấy cả hai con bị tồn dư chất cấm. “Chúng tôi sẽ tiêu hủy hai con heo này, chi phí chủ heo phải chịu. Trong quá trình lấy mẫu nước tiểu heo kiểm định chất cấm, Chi cục Thú y TP.HCM thực hiện đầy đủ yêu cầu của chủ heo để họ thực sự thừa nhận sai phạm” - ông Phát nhấn mạnh.

Ngăn việc tráo heo nhiễm chất cấm

Trước kết quả trên, chủ hai lô hàng nói trên phải ký vào biên bản thừa nhận heo bị “dính” chất cấm.

Chi cục Thú y TP.HCM đã giữ lại toàn bộ. Họ cũng cho “bấm tai heo” rồi gắn lên tai từng con trong lô một miếng nhựa màu vàng ghi rõ số lô, ngày tháng. “Có thương lái đã tráo đổi heo nhiễm chất cấm với heo bình thường để giảm thiệt hại. Do vậy, việc “bấm tai heo” là ngăn chặn thực trạng trên” - ông Phát nói.

Không chỉ kiểm định chất cấm những lô heo mới đưa vào cơ sở chờ giết mổ, Chi cục Thú y TP.HCM còn cho xét nghiệm nước tiểu của hàng trăm con heo bị kiểm tra nhiễm chất cấm trước đó để xử lý. “Khi các con heo nhiễm chất cấm bị tạm giữ thì nó rất to con, chắc nịch. Nhưng sau khi “tạm giữ” 15 ngày, chúng trở nên bèo nhèo, ốm nhom. Sau thời gian tạm giữ, Chi cục Thú y TP.HCM cũng lấy ba mẫu/lô, nếu không phát hiện tồn dư chất cấm thì giải tỏa, cho giết mổ” - ông Phát cho biết.

Buổi kiểm tra chất cấm trên đã kéo dài đến 4 giờ sáng hôm sau (ngày 23-1) khiến không ít thành viên trong đoàn mệt mỏi, quầng mắt thâm đen vì mất ngủ. “Từ nay tới tết Nguyên đán 2016, Chi cục Thú y TP.HCM còn kiểm tra nhiều ngày vì đó là trách nhiệm. Mỗi lần phát hiện heo còn nhiễm chất cấm, chúng tôi vui mừng vì đã chặn được một lượng khá lớn thịt heo không an toàn có mặt ở thị trường” - ông Phát chia sẻ.

Khó truy ra nguồn gốc heo nhiễm chất cấm (?!)

Sau khi có kết quả định lượng heo tồn dư chất cấm, Chi cục Thú y TP.HCM có văn bản đề nghị chi cục thú y các tỉnh kiểm tra, truy tìm nguồn gốc. Tuy nhiên, chi cục các tỉnh lại than khó.

Theo ông Châu Ngọc Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Thuận, các trại heo cũng thu mua heo từ nhiều nguồn. Nếu thương lái cố tình cho heo sử dụng chất cấm trước bán thì chủ trại không thể biết. Ngoài ra, heo nhập vào trại được nhốt chung nên không dễ xác định heo thuộc về thương lái nào.

Tương tự, bà Ngô Kim Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, trả lời Pháp Luật TP.HCM: “Heo đưa vào điểm tập trung gồm nhiều nguồn khác nhau. Sau đó, chủ của điểm tập trung phân loại heo theo yêu cầu của thương lái và nhiều thương lái cố tình khai sai địa chỉ mua heo nên khó truy xuất nguồn gốc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm