Trấn áp các băng nhóm ‘xã hội đen’, ‘đâm thuê, chém mướn'

Mới đây, Thủ tướng có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.

Giết người thân trong gia đình ngày càng tăng

Nội dung công văn nêu những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, toàn quốc xảy ra gần 7.000 vụ án giết người, làm hơn 6.100 người chết, 2.300 người bị thương, nhiều vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng, bất an trong nhân dân.

Nguyễn Văn Đông - hung thủ gây ra vụ thảm sát cả gia đình em trai vì mâu thuẫn đất đai tại Hà Nội. Ảnh: CTV

Các vụ giết người xảy ra chủ yếu do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (chiếm trên 80%) và do côn đồ, băng nhóm tội phạm thanh toán nhau, “đâm thuê, chém mướn”, quẫn bách, lạc hậu, mê tín dị đoan.... Đối tượng gây án đa dạng về thành phần, đa số phạm tội lần đầu, chưa có tiên án, tiền sự, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

Đặc biệt, tình trạng giết người thân trong gia đình do mâu thuẫn (chiếm trên 18%), giết người do sử dụng ma túy, chất kích thích, mắc bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do lối sống, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật.

Cùng với đó, giá trị nền tảng gia đình, dòng họ, hương ước chưa được coi trọng; các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm đồi trụy và trào lưu sai lệch, cô súy hành vi côn đồ, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để.

Các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một sô địa phương còn mang tính hình thức; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế…

Mở đợt cao điểm trấn áp băng nhóm

Đế nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Bộ Công an cần nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý cư trú, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; duy trì chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm xử lý nhanh, giải quyết kịp thời, triệt dể các hành vi bạo lực, côn đồ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Ảnh minh họa

Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường năng lực cho lực lượng Công an xã, phường, thị trấn để chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở, sớm phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đế kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hòa giải không để kéo dài.

Cùng với đó, ngành công an cần thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư, nhất là người có tiền án, tiền sự, người nghiện ma túy tại cộng đồng; chú trọng lập hồ sơ đưa người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đưa đi cai nghiện bắt buộc; quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không để đối tượng sử dụng gây án.

Đặc biệt, Bộ Công an chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm nguy hiểm, có biểu hiện hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “đâm thuê, chém mướn”, “bảo kê”, đòi nợ thuê, liên quan đến "tín dụng đen"...

Về phía TAND Tối cao và VKSND Tối cao, Thủ tướng đề nghị hai cơ quan này chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm giết người, xét xử lưu động một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, đối tượng coi thường pháp luật, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm nghiêm minh, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm