'Trạm Cai Lậy, chỉ có 7 DN nơi khác phản ứng' ?

“Chỗ Cai Lậy những ngày vừa qua, nhân dân, doanh nghiệp tại chỗ không có phản ứng gì. Chỉ có 7 DN ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức phản ứng làm chúng tôi thấy rất buồn” – ông Nghĩa nói.

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa

Trước đó, nhiều ĐB đã đề cập đến câu chuyện tắc trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) khi cho ý kiến về báo cáo giám sát. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho hay hiện nay các tuyến BOT đa phần là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường gần như độc đạo, sau đó lắp đặt trạm thu phí khiến người dân rất bức xúc. Ông dẫn chứng: “Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua rất buồn! Xả trạm 2 lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý”.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì phân tích, vấn đề thu phí BOT hiện nổi lên hai vấn để khoảng cách đặt trạm và mức thu phí. Phản ứng người dân đều liên quan đến vấn đề này và nguyên nhân chủ yếu là khâu quản lý. Mức thu, thời gian, thoả thuận đặt trạm thiếu sự công khai minh bạch. Như quy định trạm cần tham khảo ý kiến người dân thì vừa qua thực hiện không đến nơi đến chốn, có nơi hình thức, một số nơi áp đặt nên dẫn đến hậu quả trên.

“Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Lái xe phản ứng dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc. Hay cầu Việt Trì trước đây. Tôi nghĩ vấn đề này báo cáo cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu, để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo” – ông đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Trước băn khoăn của các ĐB xung quanh trạm Cai Lậy, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho hay đây là dự án hơn 26 km trên QL 1 và 12 km tuyến tránh.  Bộ GTVT và địa phương lập dự án, trong quá trình làm lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, ĐBQH, hiệp hội vận tải, địa phương. “Chỗ Cai Lậy những ngày vừa qua, nhân dân tại chỗ, DN, hiệp hội vận tải tại chỗ không có phản ứng gì. Chỉ có 7 DN ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức làm chúng tôi thấy rất buồn. Buồn ở chỗ khi xảy ra sự việc ở đây có chính quyền nhưng lại dàn 3 cái xe dừng ở đó để cản trở” – ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho hay, theo đề xuất của địa phương giảm từ 35 xuống 25 nghìn đồng thì nhà đầu tư có thể sẵn sàng. Tuy nhiên cả hai mức thu phí vẫn là số tiền ấy, chỉ là thay vì thu trong xấp xỉ 7 năm thì nay kéo dài đến khoảng 12-13 năm. Chỉ là trả trước hay trả sau thôi. Cái đó cũng đúng theo Nghị quyết, tinh thần, chủ trương của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

“Sau khi chúng tôi tập trung quyết toán, phương án là đối với các dự án có khả năng giảm phí thì chọn giảm phí chứ không giảm thời gian” – ông Nghĩa nói.

Riêng về dự án Cai Lậy, ông Nghĩa cho sau chiều nay sẽ căn cứ vào đề xuất của địa phương và nguyện vọng của người dân quanh khu vực. “Trong tháng 6 chúng tôi đã yêu cầu tất cả các địa phương, các nhà đầu tư có dự án BOT có báo cáo để tổng hợp, có chính sách chung giải quyết tổng thể, đồng bộ, không để dân phải chịu bất công. Hiện nay Bộ GTVT đã tập hợp đưa ra các phương án giải quyết, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ” – ông Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm