KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27.7.1947 – 27.7.2014)

Trả lại tên cho các liệt sĩ

Tìm mộ liệt sĩ là câu chuyện nhân văn được nhiều gia đình liệt sĩ và các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các cựu chiến binh đau đáu bao nhiêu năm nay. Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) vừa truy tìm và điều chỉnh thông tin cho 34 ngôi mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin, nghĩa là có thêm 34 gia đình vừa được tìm thấy mộ người thân của mình đã hy sinh trong chiến tranh.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc MARIN, cho biết: “Dự kiến trong vòng hai năm tới, trung tâm sẽ trợ giúp pháp lý để giúp 500 thân nhân liệt sĩ có cơ hội nhận lại đúng phần mộ của người thân đã hy sinh trong chiến tranh. Việc trợ giúp được thực hiện theo quy trình: Khớp nối, xác minh thông tin liệt sĩ tại hồ sơ quân nhân và thực địa, thay mặt thân nhân liệt sĩ kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ”.

Từ MARIN, ông Hoàng Văn Công vừa tìm được mộ của anh mình là liệt sĩ Hoàng Văn Hiến (mất năm 1965) tại Nghĩa trang đường 9. Ảnh: TH

Trả lại tên cho các anh

. Nhiều năm qua, MARIN đã phổ biến những kiến thức, thông tin để tìm mộ liệt sĩ rồi, sao nay lại phải trợ giúp pháp lý điều chỉnh bia mộ để trả liệt sĩ về với gia đình của họ?

+ Chúng tôi phổ biến kiến thức để thân nhân liệt sĩ có nền tảng chung nhất để căn cứ vào đó tìm được mộ. Trong quá trình đến các nghĩa trang liệt sĩ để tìm thông tin, chúng tôi thấy xót xa một điều là có những ngôi mộ liệt sĩ chỉ có tên chứ không có quê quán gì cả. Chúng tôi thử lục tìm trong dữ liệu thông tin mà chúng tôi có được và khớp nối các nguồn dữ liệu với nhau thì biết được liệt sĩ đó họ tên đầy đủ là gì, quê quán ở đâu, hy sinh nơi nào, ai là thân nhân… và báo về cho các gia đình để họ điều chỉnh bia mộ. Chúng tôi đinh ninh là các gia đình đã nhận rồi nhưng khi báo thì mới biết có những gia đình chưa bao giờ biết mộ người thân họ nằm đó và họ vẫn đang ngày đêm mỏi mòn tìm kiếm khắp nơi. Chưa hết, khi chúng tôi báo cho họ xong, họ nhận mộ rồi nhưng rất khó khăn để điều chỉnh thông tin của liệt sĩ trên bia mộ cho đầy đủ, chính xác. Do vậy chúng tôi phải bắt tay vào làm thôi.

. Và kết quả ra sao, thưa bà?

+ Chúng tôi đã làm thử 34 ngôi mộ thiếu thông tin. Từ tháng 10-2013, chúng tôi bắt tay vào thực hiện thí điểm. Đến ngày 17-7-2014, chúng tôi mới được các bộ đồng ý cho điều chỉnh thông tin trên 34 ngôi mộ thiếu hoặc sai thông tin. Chúng tôi đã thông báo cho các gia đình liệt sĩ. Họ vui lắm, những niềm vui không gì có thể đong đếm được.

. Thiếu thông tin trên bia mộ thường rơi vào những trường hợp nào?

+ Thường việc thiếu thông tin có những dạng thế này: Mộ chỉ có tên, không có quê; mộ có tên nhưng quê chỉ đến cấp tỉnh hoặc cấp huyện thôi (nguyên quán không đầy đủ). Một dạng nữa là tên không chính xác, ví dụ liệt sĩ tên Lê Phương Nhàn, lẽ ra quê ở Trung Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên nhưng không hiểu sao sau khi quy tập thì người ta lại để nhầm thành quê ở Xuân Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Phải phân tích rất nhiều dữ liệu chúng tôi mới có thể chứng minh cho các bộ về những sai lệch để quê quán của liệt sĩ được ghi nhận lại cho chính xác.

Liên thông các nguồn dữ liệu

. Làm sao biết chính xác một người đang nằm dưới mộ kia là liệt sĩ Nguyễn Văn A để mà điều chỉnh?

+ Với 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, MARIN có hai nguồn dữ liệu để khớp nối, phân tích. Một là nguồn dữ liệu vòng tròn quy tập, bắt đầu từ giấy báo tử (thông tin trên giấy báo tử không đầy đủ), từ giấy báo tử mới ra được hồ sơ quân nhân. Hồ sơ quân nhân được ghi từ trong chiến tranh còn quan trọng hơn giấy báo tử, bao gồm: Đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh thực tế và trường hợp hy sinh (nếu có hồ sơ gốc thì có cả tọa độ chết).

 Sau khi có hồ sơ quân nhân thì phải căn cứ thêm nguồn dữ liệu khác là liệt sĩ đó hy sinh cùng với ai. Thông thường thì cùng trong thời điểm đó, trận đánh đó mà các liệt sĩ hy sinh cùng thì sẽ được quy tập về cùng với nhau.

Yếu tố thứ ba nữa là chúng tôi phải phân định đơn vị này chỉ có thể chiến đấu ở khu vực này thôi, liệt sĩ này mặc dù đúng tên nhưng ông không thể chết ở đây được bởi vì đơn vị của ông không chiến đấu ở đây. Một nguồn thông tin nữa là thông tin về các liệt sĩ trên bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ. Chúng tôi cũng có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với các cựu chiến binh tâm huyết để cho ra kết quả chính xác nhất. Từ các nguồn thông tin đó chúng tôi khớp nối dữ liệu để xác minh chính xác thân nhân cho một liệt sĩ. Chúng tôi tự hào rằng cho đến giờ chỉ có MARIN có đầy đủ dữ liệu nhất về thông tin các liệt sĩ.

. Nguồn dữ liệu này các bộ phải là đơn vị có đầy đủ nhất chứ?

+ Bộ LĐ-TB&XH chỉ có dữ liệu về phần mộ của các liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ. Còn Bộ Quốc phòng thì có dữ liệu quản lý hồ sơ quân nhân. MARIN may mắn có tất cả các nguồn đó và các nguồn dữ liệu được MARIN liên thông với nhau. Quan trọng hơn nữa là các tình nguyện viên của MARIN có kỹ năng phân tích dữ liệu để từ đó tìm ra được liệt sĩ A chính là liệt sĩ A chứ không thể là liệt sĩ B.

THANH MẬN thực hiện

Hoạt động tự nguyện từ năm 2004, MARIN là đơn vị đầu tiên trên cả nước tập hợp và lưu trữ hơn 900.000 thông tin về liệt sĩ theo hệ thống số; tổ chức tư vấn tìm liệt sĩ và các chính sách liên quan của Nhà nước cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ trên cả nước. Ngoài việc tư vấn và trợ giúp lưu động hoặc tại văn phòng, trung tâm còn tư vấn và trợ giúp pháp lý qua số máy tư vấn trực tuyến 1900571242.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm