Trả hồ sơ vụ thẩm mỹ Cát Tường

Ngày 14-4, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người rồi vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang ra xử sơ thẩm. Sau hai giờ xét xử, HĐXX vào hội ý rồi ra tuyên bố hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan đến chuyên môn y tế, việc phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến nạn nhân tử vong.

Làm ẩu, làm liều

Mới sáng sớm nhưng đông đảo người nhà của nạn nhân Lê Thị Huyền cùng nhiều người dân đã đến TAND TP Hà Nội để theo dõi phiên xử. 8 giờ 30, phiên xử bắt đầu. Sau phần thủ tục, đại diện VKS đọc cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Sau đó phiên tòa vào phần xét hỏi.

Bị cáo Tường cho biết biết việc thành lập trung tâm thẩm mỹ viện cần rất nhiều giấy phép, các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự. Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ nhưng Tường vẫn cho thẩm mỹ viện hoạt động. Từ lúc khai trương cho đến khi xảy ra sự việc, thẩm mỹ viện hoạt động được ba tháng.

Đặc biệt, Tường khai các hoạt động tại đây như quản lý lễ tân, tư vấn khách hàng về điều trị, thông tin quảng cáo, spa, xét nghiệm... đều do một phụ nữ tên Lê Thị Thủy Mai phụ trách (riêng việc phẫu thuật thì do Tường trực tiếp làm). Đáng chú ý, phụ nữ này lại tốt nghiệp ĐH Công đoàn, hoàn toàn không có chuyên môn gì về ngành y.

 
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường tại tòa. (Ảnh chụp qua màn hình TV)

Khi tòa hỏi vì sao để một người trình độ ngoài chuyên môn làm công việc như thế, bị cáo Tường trả lời do trước đây chị này có thời gian làm ở các thẩm mỹ viện khác.

Nói về việc phẫu thuật hút mỡ bụng, bị cáo Tường khai việc này khá khó. Do quá trình gây mê, gây tê khó và nguy hiểm nên việc này chỉ phổ biến ở nước ngoài và được làm trong các bệnh viện có chuyên môn cao. Tuy nhiên, sau khi khám, thử các phản ứng và hỏi tiểu sử chị Huyền không có gì bất thường, Tường vẫn liều phẫu thuật. “Biết việc này chỉ được phẫu thuật ở nước ngoài, vậy sao bị cáo vẫn tự mình thực hiện?” - tòa hỏi. Tường nói: “Bị cáo được học ở Sài Gòn”. “Được học là một chuyện, còn được cho phép thực hiện hay không thì lại là chuyện khác. Thế bị cáo có được cho phép hay không?”. Tường ấp úng: “Dạ không...”.

Nạn nhân chết do thuốc gây tê?

Bị cáo Tường khai ca phẫu thuật kéo dài hơn bốn giờ thì kết thúc. Khi chuyển chị Huyền ra phòng hậu phẫu khoảng 30 phút thì thấy chị có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Tường yêu cầu y tá tiêm mũi thuốc an thần cho bệnh nhân. Tiêm xong, thấy chị Huyền trở lại bình thường nên bị cáo cùng với một bạn gái đi lễ chùa.

Ngược với lời khai của Tường, hai y tá Vân, Hoa khai trong quá trình phẫu thuật, nạn nhân đã có biểu hiện bất thường như chân tay co giật, sùi bọt mép chứ không phải kết thúc phẫu thuật mới có biểu hiện này. Y tá Hoa chỉ thực hiện việc kiểm tra HIV và thử gây tê nhưng không có biểu hiện gì bất thường. Truyền thuốc gây tê và phẫu thuật là do BS Tường làm. Y tá Vân ở đấy và thấy chị Huyền có biểu hiện lên cơn đau. BS Tường bảo đi mua thuốc về để xử lý. Sau khi đi mua về thì BS Tường đã hút mỡ bụng xong và bơm lên ngực.

Những lời khai trên cực kỳ quan trọng, vì nó chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm trong việc sử dụng thuốc gây tê.

Đại diện VKS nói theo kết luận của Sở Y tế TP Hà Nội, chị Huyền tử vong do thuốc gây tê. Đây là kết quả do các chuyên gia y tế hàng đầu về gây tê kết luận. Vì vậy, mấu chốt việc chị Huyền tử vong là do thuốc tê này có được sử dụng rộng rãi không? Hỗn hợp thuốc gây tê được pha chế theo tỉ lệ nào và dùng với trường hợp nào? Tại tòa, bị cáo Tường khai hỗn hợp thuốc gây tê do các y tá tiến hành pha và đưa cho bị cáo để truyền vào người bệnh nhân. Tuy nhiên, công thức này lại là do bị cáo Tường đưa ra.

Với những vấn đề chuyên môn như thế, tòa chưa thể giải quyết ngay được vì có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc thay đổi tội danh. Vì vậy, tòa quyết định hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

NGUYỄN DÂN

 

Đổ cho bảo vệ

Theo cáo trạng, chiều 19-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng (Hà Nội) hút mỡ bụng, nâng ngực. Sau ca phẫu thuật do BS Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp thực hiện, chị Huyền tử vong. Đêm đó, Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh đã chở xác nạn nhân ra cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng để phi tang.

Tường bị truy tố hai tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Khánh bị truy tố hai tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và trộm cắp tài sản.

Về việc vứt xác chị Huyền xuống sông, bị cáo Tường khai làm theo đề nghị của bị cáo Khánh. “Khi thấy chị Huyền chết, bị cáo rất hoảng loạn, không biết làm gì, không dám đưa xác chị Huyền vào bệnh viện vì sợ mọi người thấy xác chị Huyền sẽ hô hoán lên. Lúc ấy, bị cáo Khánh “hiến kế” phi tang xác chị Huyền. Bị cáo hỏi phi tang như thế nào, bị cáo Khánh nói vứt xuống sông. Bị cáo lo sợ quá nói rằng không được. Bị cáo Khánh nói rằng: “Trời thương thì sẽ thoát”. Lúc ấy bị cáo hoàn toàn hoảng loạn, không biết nghĩ gì nữa nên cứ nhắm mắt làm bừa. Nếu lúc tỉnh táo chắc sẽ không làm việc đấy” - Tường khai.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy