TQ toan tính xây đảo nhân tạo cạnh bãi Gạc Ma để tăng năng lực phản ứng nhanh trên biển

Hình ảnh chụp cụm Sinh Tồn tại quân đảo Trường Sa của Việt Nam từ trên không do NASA chụp lại, trong đó bãi Gạc Ma nằm ở điểm cuối phía nam.

Hình ảnh cụm Sinh Tồn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ trên không do, trong đó bãi Gạc Ma nằm ở điểm cuối phía nam. Ảnh: NASA

Thông tin trên được báo Đài Loan dẫn lại tin mà Global Times tiết lộ hôm 25/5. Theo đó, hòn đảo nhân tạo sẽ do Viện Nghiên cứu và Thiết kế đóng tàu số 9 (NDRI), có trụ sở ở Thượng Hải triển khai. Vị trí hòn đảo nhân tạo dự kiến ở quanh bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi đá này bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

Tờ báo cho biết Trung Quốc dự kiến xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và cảng hải quân, trên hòn đảo nhân tạo. Hòn đảo sẽ được sử dụng với mục đích chính là tăng khả năng phản ứng nhanh cho các chiến hạm và lực lượng an ninh hàng hải của Trung Quốc nếu có sự cố xảy ra trong khu vực.

Ngoài ra, đảo nhân tạo còn có vai trò như một trạm hậu cần tiếp tế cho các tàu cá của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Đảo này có thể cũng sẽ có nhà tập thể, tòa nhà hành chính, sân thể thao và nông trại.

Philippines hôm 14/5 cho biết Trung Quốc đang có hoạt động khai hoang đất đai ở bãi Gạc Ma, tố cáo hành động này vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Manila lo ngại nếu Bắc Kinh xây dựng trái phép được đường băng trên bãi Gạc Ma, đó sẽ là bước đầu tiên trong việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Tại cuộc họp báo ngày hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh không xác nhận việc xây dựng đường băng, nhưng ngang nhiên khẳng định bãi đá Gạc Ma thuộc chủ quyền nước này, bất chấp thực tế là nó thuộc về Việt Nam và bị Trung Quốc đánh chiếm.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang gia tăng sau khi Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan dầu trên thềm lục địa Việt Nam, và điều nhiều tàu tới bảo vệ. Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bất hợp pháp và kiên quyết phản đối hành động xâm phạm này.

Trước thông tin Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Gạc Ma, Việt Nam tái khẳng định có các cơ sở pháp lý và bằng chứng chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời cho biết việc Trung Quốc chiếm giữ bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa là trái phép. Trong cuộc họp báo quốc tế hôm 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định mọi hành vi nhằm thay đổi nguyên trạng Trường Sa đều vi phạm các quy ước đã được ký kết trong DOC.

Theo Như Tâm (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm