TP.HCM xử lý hơn 50 đảng viên sai phạm do dân phát hiện

Trong cuộc tiếp xúc cử tri chiều 20-6 của Tổ đại biểu số 10 (đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) tại quận 8, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin về việc xử lý cán bộ theo Quy định 1374 của Thành ủy TP.HCM ban hành ngày 1-12-2017.

Theo đó, trong năm 2018, TP.HCM đã xử lý trên 100 cán bộ, công chức, trong đó trên 50 đảng viên có sai phạm do nhân dân phát hiện.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu thuộc tổ đại biểu số 10 tiếp xúc cử tri quận 8 chiều 20-6. Ảnh: HG

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong việc lắng nghe ý kiến của dân, phát hiện tiêu cực, chống tham nhũng thì thành phố có cơ chế là Quy định 1374 của Thành ủy TP.HCM, ban hành ngày 1-12-2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Quy chế này xác định nếu có thông tin về yếu kém, tiêu cực của cán bộ mà được nói trên báo chí và được nhân dân gửi thư phản ánh, tiếp xúc cử tri người dân phản ánh, MTTQ, Quốc hội đi giám sát ghi nhận thì phải được xử lý. Khi tiếp nhận thông tin này rồi thì phải gửi cho cấp ủy, chính quyền nơi có việc đó xảy ra.

Quy chế này có quy định thời hạn phải giải quyết, thông thường là 30-45 ngày. Chính quyền giải quyết xong, phải báo cáo cấp ủy ngang cấp và cấp ủy cấp trên. Nếu chính quyền làm chậm thì cấp ủy ngang cấp nhắc nhở, nếu vẫn chậm nữa thì cấp ủy cấp trên nhắc nhở.
"Năm 2018, TP.HCM đã xử lý hàng nghìn tin như vậy, qua đó rất tiếc là phải xử lý cán bộ. Năm 2018, TP.HCM đã xử lý trên 100 cán bộ, công chức, trong đó trên 50 đảng viên có sai phạm do nhân dân phát hiện. Với trách nhiệm chung, TP.HCM đã đề xuất giải pháp riêng là dựa vào dân, lắng nghe dân để nâng cao chất lượng cán bộ" - Bí thư Nhân chia sẻ.

TP.HCM xử lý hơn 50 đảng viên sai phạm do dân phát hiện ảnh 2
Cử tri quận 8 lo ngại ma túy còn là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Cử tri cũng đặc biệt quan tâm và lo ngại trước tình trạng tội phạm ma túy gia tăng trên địa bàn.

Cử tri Lê Minh Sơn (phường 15) lo ngại vấn nạn vận chuyển ma túy gia tăng với số lượng lớn trong thời gian gần đây. Theo ông, ngoài việc làm tăng số người nghiện, tội phạm ma túy, những vụ vận chuyển ma túy còn là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác.

"Liệu có phải luật pháp chưa đủ nghiêm, chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn tội phạm ma túy? Đây là việc ảnh hưởng đến an ninh, đạo đức con người và nòi giống của chúng ta, nên cần sớm có quyết sách" - ông Sơn nêu vấn đề.

Ngoài đề xuất hình phạt nặng hơn cho tội phạm ma túy, nhiều cử tri nêu ý kiến cần xem xét xử lý hình sự đối với người sử dụng ma túy. 

"Nhiều loại tội phạm nguy hiểm hiện nay bắt nguồn từ việc sử dụng ma túy. Để tăng tính răn đe, giảm số lượng con nghiện chúng ta không thể cứ tuyên truyền, giáo dục mãi, cần có những hình thức xử lý cứng rắn hơn" - cử tri Dương Ngọc Sơn (phường 16) đề xuất.

Chia sẻ lo ngại này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu thừa nhận tình trạng số người nghiện ma túy tăng chính là nguyên nhân phát sinh các tội phạm nguy hiểm khác.

Việc thu được số lượng ma túy lớn như vừa qua, theo ông Châu là do việc sản xuất ma túy phát triển mạnh tại khu vực và thế giới, lượng ma túy sản xuất ra nhiều hơn.

Ông cho biết lực lượng công an thành phố và cả nước đã đẩy mạnh hợp tác với công an các nước trong khu vực để đấu tranh với tội phạm ma túy. 

Về giải pháp hạn chế gia tăng con nghiện trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Trước đây TP.HCM đã có mô hình cai nghiện tập trung ba năm, dạy nghề hai năm. Hiệu quả của mô hình này rất lớn, TP sẽ nghiên cứu lại mô hình này. Nên coi người nghiện ma túy là một dạng tội phạm nhưng không phải để bỏ tù mà là để xử lý cách ly cai nghiện. Cách ly con nghiện khỏi cộng đồng, tập trung cai nghiện, giáo dục, dạy nghề. Cắt nguồn Cầu, từ đó giảm nguồn Cung mua bán, sản xuất ma tuý. Ma túy gây nguy cơ giết người và dễ tái nghiện nếu vẫn để ngoài cộng đồng".

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM quyết tâm đấu tranh với tội phạm ma túy, nhất là trong thời điểm số lượng người nghiện của TP tăng cao nhất cả nước.

"Người nghiện ma túy chưa là tội phạm nhưng có nguy cơ rất lớn gây ra các tội phạm nguy hiểm khác. Vì thế, cần phải có nơi để những người nghiện ma túy có thể cai nghiện, sinh hoạt và học tập, làm ăn. Đây là cuộc chiến lâu dài, nhưng đã đến lúc phải cương quyết vì giống nòi, vì dân tộc" -  ông Nhân khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm