TP.HCM và các tỉnh Nam Trung bộ khẩn cấp ứng phó bão

Nam bộ hiếm khi hứng bão nhưng để phòng ngừa bão số 12 (có tên quốc tế là Damrey) đổi hướng về hướng Nam, sáng 2-11, TP.HCM tổ chức họp khẩn triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó. Còn ở Nam Trung bộ, các địa phương đang hứng lũ và chống bão.

TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó ở các điểm xung yếu

Sau khi thông tin về hướng đi, cường độ cơn bão, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ nhận định: Từ hôm nay (3-11), các tỉnh miền Đông, TP.HCM mưa tăng. Mức nước triều ở các trạm vùng cửa sông Nam bộ sẽ lên nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào các ngày 6 và 7-11 (ngày 18 và 19-9 âm lịch).

Không loại trừ khả năng bão đổi hướng, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm chỉ đạo các địa phương, ban ngành không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống, sử dụng tất cả phương tiện truyền thông để thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển, tốc độ; kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Các quận/huyện ven sông Sài Gòn (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè), khu vực có bờ bao, đê bao ven sông, vùng thấp trũng như quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn tổ chức rà soát tại các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mức nước triều dâng cao cho đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão.

Các lực lượng chủ động chuẩn bị kinh phí, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát…) túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, bể bờ bao để kịp thời xử lý ngay từ đầu. Cần chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân đến các điểm tạm cư kiên cố, chắc chắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

TP.HCM họp triển khai công tác ứng phó bão số 12. Ảnh: N.TRÀ

Nam Trung bộ hứng lũ, chống bão

Trong ngày 2-11, tỉnh Bình Thuận đã tạm ngưng hoạt động tuyến vận tải đường biển Phan Thiết-Phú Quý. Địa phương này cũng họp khẩn ứng phó bão, giao các địa phương theo dõi, thông báo cho nhân dân để chủ động phòng tránh; rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có mưa, lũ lớn kết hợp phải xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi ngập lụt trên diện rộng xảy ra.

Các địa phương vùng biển phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động tìm nơi trú ẩn, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Đặc biệt là các tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động, đánh bắt hải sản trên vùng biển từ Côn Đảo trở xuống đến Cà Mau, Kiên Giang.

Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư theo kế hoạch đã được phân công, sẵn sàng tham gia ứng phó, di dời sơ tán dân, giúp dân chằng buộc nhà cửa, kho tàng khi có yêu cầu hoặc lệnh điều động ứng cứu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ…

Tại Ninh Thuận, tỉnh có công điện khẩn gửi các địa phương, sở ngành liên quan ứng phó cơn bão có khả năng đổ bộ vào tỉnh này. Tỉnh đã liên lạc, gọi hơn 2.600 tàu thuyền trú tránh, neo đậu, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Địa phương cũng yêu cầu toàn bộ dân trên các lồng bè, chòi canh vào bờ.

Ở Phú Yên, trong ngày 2-11, thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh xả lũ cộng mưa to từ nhiều ngày trước gây ngập lụt cho nhiều huyện. Ở huyện Đồng Xuân còn ba xã bị lũ cô lập.

• Rạng sáng 2-11, người dân tìm thấy thi thể ông Nguyễn Văn Lời (ngụ xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) bị lũ cuốn trôi.

• Đến 2 giờ 30 ngày 2-11, cảnh sát PCCC mới dập được lửa trên ba con tàu neo đậu tránh bão tại bến Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), tránh gây cháy lan cho hàng chục con tàu khác. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 6 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm