TP.HCM tập trung điều trị và chăm lo cho người dân

Chiều 5-8, TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Nhiều chuyển biến rõ rệt từ khi thực hiện Chỉ thị 16

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời các câu hỏi liên quan đến việc đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 tới giờ này, cái gì được và cái gì chưa được, những chuyển biến tích cực và những điểm cần lưu ý.

Theo ông Mãi, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua, nhất là Chỉ thị 16 tăng cường đã có những chuyển biến rõ rệt, trong đó ý thức tự chấp hành của người dân và doanh nghiệp rất tốt, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng trên địa bàn TP chuyển biến tích cực.

“Đến chiều qua, chúng tôi nhận thông tin từ Bộ TT&TT cho biết qua theo dõi, quan sát di chuyển trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt trong thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ, việc chấp hành quy định không ra đường là rất tốt” - ông Mãi nói.

Từ ý thức đó, nhiều địa phương đã xuất hiện các tổ tự quản cộng đồng, chốt tự quản, nỗ lực xây dựng các “vùng xanh” và đã có kết quả. “Khi người dân ý thức tự nhắc nhở nhau, cùng nhau có biện pháp thì chính những nỗ lực của người dân sẽ mang lại kết quả cho cộng đồng nơi mình sinh sống” - ông Mãi nói và hoan nghênh người dân, mong muốn họ tiếp tục mở rộng các “vùng xanh” an toàn.

Các bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với các vấn đề như giãn cách, điều trị, chăm lo cho đời sống người dân, ông Mãi cũng khẳng định đã đi vào nề nếp, vận hành bài bản và giải quyết được vướng mắc cũng như hạn chế. Ông cho rằng còn rất nhiều việc mỗi ngày phát sinh nhưng luôn được điều chỉnh khắc phục và có chuyển biến tích cực.

Hai vấn đề lớn TP.HCM tập trung thực hiện

Về câu hỏi TP.HCM cần lưu tâm gì trong thời gian tới, phó bí thư thường trực Thành ủy cho biết có hai việc mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP và các cấp đang rất lưu tâm tập trung là công tác tiếp nhận điều trị và đời sống người dân gặp khó khăn.

Về tiếp nhận điều trị, ông Mãi nói: “Càng ngày càng đông người cần điều trị, số chuyển nặng nhiều hơn, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị có giới hạn nên tạo ra áp lực điều trị rất lớn, dù chúng tôi ngày càng nỗ lực nhưng năng lực có hạn”.

Theo ông Mãi, phía trung ương cũng đã tăng cường hỗ trợ TP.HCM, tuy nhiên việc này có giới hạn. Với tinh thần “năm tại chỗ”, ông cho biết TP sẽ tập trung cao cho việc tiếp nhận điều trị. “Chúng tôi đang chuyển thêm ba bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 sang tầng chuyên điều trị. Dự kiến cuối tháng này, TP sẽ có thêm 1.000 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19” - ông Mãi nói.

Vấn đề lưu tâm thứ hai của TP.HCM là do thời gian dài giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ bị dừng lại nên nhiều người dân ở TP từ hai tháng nay không đi làm, không có thu nhập nên tích lũy cạn dần, từ đó tạo ra sức ép lên đời sống của bà con, nhất là người dân nghèo.

TP đã huy động các nguồn lực từ ngân sách, từ trong dân và doanh nghiệp… để lo cho dân. “Không thể nói TP thiếu nguồn lực, vấn đề là làm sao phát hiện đầy đủ số bà con trên địa bàn cần giúp đỡ và TP mang nguồn lực này đến từng người” - ông Mãi nói và đề nghị các cấp chính quyền cần nhạy bén và bao quát hơn, cập nhật liên tục để biết bà con đang ở đâu nhằm kịp thời giúp đỡ.

Theo ông Mãi, việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở một tuần mà sẽ là nhiều tuần, nhiều tháng tới. “Chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực từ bà con TP và cả nước, bằng ngân sách và cả những quỹ dự trữ khi cần thiết” - ông nói.

Không có chuyện tăng giá, từ chối hỏa táng tại Bình Hưng Hòa

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết các bệnh nhân tử vong do bệnh truyền nhiễm đều được xử lý, tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

Các bệnh nhân tử vong do dịch COVID-19 đều được hỏa táng tại cơ sở hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Cơ sở này đang duy trì hoạt động 24/24 giờ để đảm bảo xử lý mọi tình huống theo yêu cầu.

Liên quan đến chi phí, ông Thắng cho biết toàn bộ cơ sở này do Nhà nước quản lý và giao Công ty Môi trường đô thị TP.HCM điều hành nên không có chuyện tăng giá và ngừng tiếp nhận các trường hợp có yêu cầu hỏa táng. “Không có việc từ chối hoặc tăng giá” - ông Thắng khẳng định.

Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội có những thông tin phản ánh về tình trạng dịch vụ mai táng ép giá gia đình có người tử vong do COVID-19. Cụ thể, chi phí mai táng bệnh nhân tử vong liên quan COVID-19 là 4,2 triệu đồng, tuy nhiên có những trường hợp người nhà phải tự lo, khi liên hệ một số cơ sở mai táng thì có những trường hợp bị hét giá lên đến 40 triệu đồng khi mai táng một người tử vong. Có trường hợp tử vong, gia đình đến lấy cốt về phải chi trả 30 triệu đồng mới được lấy cốt... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm