TP.HCM tăng hệ số K lên 0,4 lần

Ngày 11-7, tại kỳ họp lần thứ 15 của HĐND TP.HCM, UBND TP đã có tờ trình về việc ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (gọi tắt là hệ số K) năm 2019 trên địa bàn TP. Theo đó, TP kiến nghị tăng hệ số K lên 0,4 lần so với năm ngoái. Nếu được HĐND thông qua thì đây sẽ là hệ số chính thức để áp dụng cho việc tính tiền sử dụng đất (SDĐ) ngoài hạn mức, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất… trên địa bàn TP, áp dụng cho năm 2019.

Tỉ lệ tăng từ 19% đến gần 31% tùy khu vực

Theo tờ trình của UBND TP.HCM, hệ số K năm 2019 tăng lên 0,4 lần sẽ tương ứng với mức tăng theo từng khu vực như sau:

Theo tờ trình, khu vực có giá đất theo bảng giá đất thấp thì hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường bình quân càng cao. Do đó, khi hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 của các khu vực cùng tăng như nhau nhưng các khu vực có giá đất thấp hơn sẽ có tỉ lệ hệ số điều chỉnh giá đất tăng cao hơn và ngược lại.

Chẳng hạn, ở quận 1 thuộc khu vực 1, tuyến đường có giá đất cao nhất theo bảng giá đất là 162 triệu đồng/m2. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 là 2,1 lần thì giá đất là 340.200.000 đồng. Nếu hệ số điều chỉnh là 2,5 lần (tăng 0,4 lần) thì giá đất là 405 triệu đồng/m2. Mức tăng là 64,8 triệu đồng/m2.

Ở Nhà Bè thuộc khu vực 4, tuyến đường có giá cao nhất theo bảng giá đất là 8 triệu đồng/m2. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 là 1,5 lần thì giá đất là 12 triệu đồng/m2. Mức tăng là 3,2 triệu đồng/m2.

Khu vực quận 1, hệ số K sẽ tăng 2,1-2,5 lần tùy tuyến đường. Tuyến đường cao nhất có mức tăng khoảng gần 65 triệu đồng/m2 khi tăng hệ số K lên 0,4 lần. Trong ảnh: Đầu tuyến đường Đồng Khởi, một trong những tuyến đường có giá đất cao nhất tại quận 1. Ảnh: VIỆT HOA

Có tăng nhưng không tạo đột biến

Với mức tăng này thì nhóm 1 là các trường hợp hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền SDĐ ở, cho phép chuyển mục đích SDĐ từ đất không phải đất ở sang đất ở với phần diện tích vượt hạn mức, chuyển mục đích theo trường hợp tiếp tục SDĐ theo hình thức giao đất có thu tiền SDĐ, sẽ có hệ số K là 1,5 lần. Năm 2018, hệ số K của nhóm này là 1,1 lần.

TP cũng đánh giá việc điều chỉnh tăng hệ số K như trên là không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích SDĐ, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ với phần diện tích trong hạn mức.

Để chứng minh việc này, tờ trình nêu ra trường hợp cá nhân, hộ gia đình được công nhận quyền SDĐ ở (cấp giấy chứng nhận). Nếu sử dụng trước ngày 15-10-1993 thì phần diện tích trong hạn mức không phải nộp tiền SDĐ. Diện tích vượt hạn mức bằng 50% bảng giá đất nhân với hệ số K (nếu khu đất có giá trị dưới 30 tỉ đồng). Nếu sử dụng từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004, diện tích trong hạn mức nộp 50% tiền SDĐ theo bảng giá đất, vượt hạn mức nộp bằng 100% bảng giá đất nhân hệ số K.

Theo số liệu từ Cục Thuế TP.HCM, hồ sơ cấp giấy chứng nhận và chuyển mục đích SDĐ của cá nhân, hộ gia đình tại 17 quận, huyện có mức bình quân là 22% hồ sơ có diện tích vượt hạn mức.

Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi thuê đất hoặc giao đất không thông qua hình thức đấu giá có giá dưới 30 tỉ đồng (theo bảng giá đất) khi tăng hệ số K có bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, TP nhận định hệ số tăng lên 0,4 lần thì hệ số cao nhất là 2,5 lần và thấp nhất là 1,5 lần thì giá đất cũng chỉ bằng khoảng 30%-50% giá thị trường.

Theo UBND TP, năm 2018 hệ số điều chỉnh giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính cao nhất là 2,1 lần và thấp nhất là 1,1 lần. “Do đó, nếu điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất tăng theo xu hướng tăng của thị trường thì sẽ tạo đột biến, gây khó khăn cho người SDĐ và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 lên 0,4 lần là phù hợp với thực tế giá đất trên thị trường hiện nay” - UBND TP nhận định.

Tính đến thời điểm này đã sáu tháng nhưng TP.HCM vẫn chưa ban hành được hệ số K. Một số địa phương cho biết đang phải tạm dừng giải quyết hồ sơ của người dân để chờ hệ số K mới. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết tháng 2-2019, TP đã có dự thảo ban hành quyết định quy định về hệ số K cũng với mức đề xuất tăng hệ số K lên 0,4 lần. Tuy nhiên, dự thảo phải tiếp tục hoàn chỉnh do báo chí phản ánh tăng hệ số lên 0,4 lần là quá cao. Chính phủ đã yêu cầu TP phối hợp với các bộ TN&MT, Tài chính có đề xuất hợp lý, đảm bảo không gây xáo trộn tâm lý người dân và doanh nghiệp. TP.HCM nhiều lần bàn bạc về việc tăng hệ số K và đến nay vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu vì dự thảo đã được xây dựng tuân thủ theo các quy định của pháp luật, được các sở Tư pháp thẩm định, Ban Thường vụ Thành ủy có kết luận chủ trương ban hành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm