TP.HCM sẽ tổ chức kiểm điểm các cựu lãnh đạo vi phạm

Sáng 9-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp mặt các cơ quan báo chí đầu năm 2020.

Tại buổi gặp mặt, phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến kết quả thực hiện nghiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 cũng như các giải pháp trong năm 2020 của TP.HCM.

Một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về vi phạm của  Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Ban cán sự đảng (BCSĐ) UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cựu lãnh đạo TP. Theo đó, báo chí đặt câu hỏi về quy trình xử lý tiếp theo và bài học sâu sắc được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM rút ra để tránh những vụ việc tương tự xảy ra.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết vừa qua UBKT Trung ương đã làm việc với TP.HCM trong ba tháng. Từ các cuộc làm việc đó, UBKT Trung ương đã ra kết luận về sai phạm của các cá nhân và các đơn vị liên quan (như đã nêu trên - PV).
Về quy trình tiếp theo, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới TP.HCM sẽ tổ chức kiểm điểm các cá nhân và tổ chức vi phạm có liên quan tại TP. Sau đó, kết quả kiểm điểm sẽ chuyển lên UBKT Trung ương, vì đây là nhân sự do Bộ Chính trị quản lý.
Sau đó, UBKT Trung ương sẽ họp và báo cáo Bộ Chính trị có hình thức kỷ luật hay không kỷ luật. “Hình thức thì Bộ Chính trị quyết định nhưng Ban chấp hành Trung ương sẽ bỏ phiếu” - ông Nhân nói.
Sau khi Bộ Chính trị có quyết định, TP.HCM sẽ tiến hành xử lý cụ thể về mặt Đảng.
Còn về mặt chính quyền, những cá nhân sai phạm có thể sẽ bị xử lý kỷ luật. Ông Nhân cho biết vừa qua, UBND TP đã tổ chức kiểm điểm cán bộ do UBND TP quản lý sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Về bài học sâu sắc rút ra sau vụ việc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “cũng không phải gì quá phức tạp, đó là cần khắc phục ba điều”. Thứ nhất là phải làm đúng quy chế cấp ủy các cấp. Ví dụ, Thành ủy đã có quy chế làm việc, việc gì bàn trong thường trực, việc gì phải đưa ra thường vụ bàn, việc gì phải ra Ban chấp hành.
Thứ hai là phải làm đúng pháp luật.
Thứ ba là tự giám sát và để nhân dân giám sát. “Vừa qua, từ nguồn tin báo của người dân đã có sáu tổ chức đảng với 30 đảng viên và 50 công chức bị kỷ luật” - Bí thư thành ủy nói.

Như chúng tôi đã thông tin, theo kết luận của UBKT Trung ương tại kỳ họp thứ 42, Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và BCSĐ UBND TP.HCM nhiệm kỳ  2011-2016 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân TP, gây bức xúc trong xã hội.

UBKT Trung ương xác định: Ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ông Lê Hoàng Quân, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, cựu Bí thư BCSĐ, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ UBND TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Đua, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên BCSĐ, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và các ông, bà Nguyễn Thị Hồng, Lê Văn Khoa, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên BCSĐ, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Vũ Hùng Việt, cựu Thành ủy viên, Ủy viên BCSĐ, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của BCSĐ UBND TP và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

UBKT Trung ương xác định vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, của BCSĐ UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016 và các cá nhân nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền TP, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm