TP.HCM: Sẽ ‘đột kích’ chỗ nào hoạnh họe dân

“Hiện có tình trạng  cán bộ, công chức xem việc trả hồ sơ lại cho người dân và doanh nghiệp như một thói quen, một cảm tính. Đây là một thói quen vô trách nhiệm, thậm chí tắc trách, tiêu cực” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nói như thế tại cuộc họp sơ kết về tình hình triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn TP.HCM, ngày 15-3.

“Đã đến lúc phải ra tay…”

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP, cho biết hiện nay Sở đã công bố công khai thông tin quy hoạch của các đồ án quy hoạch trên website của Sở, nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì có thể xem trực tiếp trên website. Ngoài ra, có thể làm văn bản đề nghị Sở cung cấp chứng chỉ quy hoạch bằng văn bản.

Ông Tuyến đề nghị lãnh đạo Sở QH-KT phải làm sao để nhà đầu tư hoặc người dân muốn biết thông tin quy hoạch thì chỉ cần vào website của Sở là có thể biết được chỉ tiêu quy hoạch của từng thửa đất, từng ô phố. “Hiện nay toàn TP đã phủ kín quy hoạch 1/2000, có nghĩa là đồ án quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt rồi nhưng có tình trạng là khi nhà đầu tư muốn làm dự án thì phải đi xin chỉ tiêu quy hoạch. Quy hoạch đã được duyệt rồi sao còn phải đi xin? Xin là chỉ trong trường hợp vượt hoặc thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch thôi” - ông Tuyến nói.

Đồng thời, ông Tuyến cũng chỉ đạo Sở QH-KT trong tháng 4 phải công khai các chỉ tiêu về quy hoạch trong các đồ án để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. “Làm sao để chấm dứt tình trạng nhà đầu tư muốn làm dự án thì phải xin chỉ tiêu quy hoạch ở Sở, Sở lại hỏi ý kiến quận trong khi thông tin đã có hết trong đồ án quy hoạch rồi. Tới đây, nhà đầu tư đã làm đúng theo quy hoạch rồi mà còn bị cơ quan nhà nước hoạnh họe thì đề nghị doanh nghiệp phản ánh trực tiếp cho tôi. Tôi sẽ trực tiếp xuống kiểm tra công vụ của một số trường hợp bị phản ánh” - ông Tuyến khẳng định.

Ông Tuyến cũng cho hay lãnh đạo TP chia sẻ thêm nhiều khi người đứng đầu các sở, ngành, địa phương rất tâm huyết và nhiệt tình nhưng khi xuống cấp dưới lại cố tình chây ỳ hoặc giải quyết chậm trễ. “Lúc còn làm lãnh đạo địa phương, nhiều lần tiếp công dân, tôi thấy có tới 99% là do phía mình làm sai. Có nhiều lý do như năng lực cán bộ yếu kém, thiếu quyết liệt. Khi người dân khiếu nại thì lại giải quyết không hết lòng” - ông Tuyến thẳng thắn.

Ông Tuyến cũng cho biết hiện nay TP đã thành lập các tổ kiểm tra công vụ để kiểm tra đột xuất quy trình tác nghiệp và thái độ phục vụ người dân của các chuyên viên tại các sở, ngành và địa phương. “Lãnh đạo TP mà phải kiểm tra đến từng chuyên viên của sở, ngành thì lẽ ra là không đáng nhưng đã đến lúc cũng phải ra tay, cũng phải xử lý một số trường hợp để răn đe” - ông Tuyến nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến: “Tôi sẽ trực tiếp xuống kiểm tra công vụ của một số trường hợp bị người dân, doanh nghiệp phản ánh”. Ảnh: X.ĐẶNG

Mới chỉ 1%-2% người nộp hồ sơ trực tuyến

Theo báo cáo của Sở TT&TT, từ năm 2016, UBND TP đã triển khai 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 24 quận, huyện, tập trung vào các nhóm lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch.

Qua một năm triển khai, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT là rất thấp. Cụ thể, tại quận, huyện, trong các nhóm nêu trên thì chỉ có hai nhóm kinh tế và hộ tịch là đạt 2% tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông tin qua mạng. Các nhóm còn lại tỷ lệ hồ sơ chỉ đạt 1%.

Ngoài ra, hiện nay trong số 17 sở trên địa bàn TP thì mới chỉ có 10 sở ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ hành chính. Trong đó có sở cũng không nhận được hồ sơ trực tuyến nào như Sở LĐ-TB&XH, QH-KT.

Trước việc người dân và doanh nghiệp chưa mặn mà với DVCTT, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu phải đẩy mạnh khâu tuyên truyền. Tới đây các quận, huyện và sở, ngành phải xây dựng những tổ tư vấn ở phường, xã để cho người dân quen dần. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ hành chính mà không cần phải đến trực tiếp.

“Đến một lúc nào đó, cơ quan công quyền sẽ không còn tiếp nhận hồ sơ thủ công nữa mà buộc tất cả người dân và doanh nghiệp thực hiện qua trực tuyến. Như vậy vừa công khai, minh bạch, vừa giảm phiền hà, nhũng nhiễu” - ông Tuyến nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm