BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5 HĐND TP.HCM KHÓA IX

TP.HCM sẽ chấn chỉnh việc thi hành công vụ

Chiều 6-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã họp phiên bế mạc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết HĐND TP đã thảo luận và thống nhất đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết HĐND về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt nhiều kết quả tích cực.

Dẹp vỉa hè: Phải lấy dân làm trung tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Tâm cho rằng HĐND TP nhận thấy công tác triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND về kinh tế-xã hội năm 2017, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm... còn một số mặt hạn chế và yếu kém. Việc thực hiện bảy chương trình đột phá còn chậm, những tác động đột phá cho sự phát triển TP chưa rõ.

Từ đó, HĐND TP đề nghị UBND TP cần tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt để tạo chuyển biến hiệu quả hơn. Trong đó cần chấn chỉnh tình trạng kỷ cương không nghiêm, phối hợp thiếu đồng bộ của bộ máy chính quyền. “Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, thiếu tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp. Đây là hạn chế kéo dài, cử tri bức xúc, HĐND đã chỉ ra nhiều lần nhưng kết quả khắc phục còn chậm” - bà Tâm nói.

Bà Tâm cũng cho biết HĐND TP đề nghị UBND TP tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn cho phát triển hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, điều hành đầu tư công hiệu quả, tránh lãng phí, tham nhũng.

Các nhà báo phỏng vấn Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trong phiên bế mạc. Ảnh: HTD

Các đại biểu HĐND TP cũng đề nghị chính quyền TP tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện để TP thực hiện có kết quả Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đối với TP.HCM, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để TP phát triển đúng tiềm năng, vị trí của TP.

Người đứng đầu HĐND TP cũng khẳng định các đại biểu HĐND đề nghị chính quyền TP quản lý trật tự đô thị đối với lòng lề đường, vỉa hè cần có kế hoạch toàn diện, có mục tiêu cụ thể, có lộ trình hợp lý. Triển khai thực hiện phải kiên trì, nghiêm minh. Lấy người dân làm trung tâm để người dân tại từng khu dân cư cùng bàn kế hoạch, chính quyền điều hành, người dân thực hiện và giám sát thì mới bền vững.

171.900 tỉ đồng cho đầu tư công trung hạn

Chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND đã nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng nguồn vốn 171.895 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng gần 50% tổng nhu cầu vốn ngân sách đầu tư công giai đoạn này (tổng nhu cầu vốn 326.000 tỉ đồng), còn thiếu 154.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND TP cũng nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP về quyết định chủ trương đầu tư và cho ý kiến các dự án đầu tư công. Theo đó, trong giai đoạn 2016- 2020 TP sẽ đầu tư 102 dự án nhóm có sử dụng ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 28.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, HĐND TP.HCM cũng thông qua nhiều tờ trình khác của UBND TP như về ban hành chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020; việc miễn phí đi xe buýt cho người từ 70 tuổi trở lên...

HĐND TP cũng thông qua chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân năm 2017 và những năm tiếp theo của TP.HCM; thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020)…

Đã đầu tư 47.500 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới

Sáng 6-7, HĐND TP đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, liên kết sản xuất… đối với Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung.

Nhiều đại biểu đề nghị giám đốc ngành nông nghiệp TP giải trình về thế mạnh của ngành nông nghiệp TP là gì, vai trò của TP.HCM như thế nào trong chiến lược liên kết vùng, kế hoạch gì để gia tăng giá trị sản xuất đất nông nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Phước Trung khẳng định TP.HCM đã có hàng loạt quyết định với nhiều chính sách để giúp nông nghiệp phát triển. Qua sáu năm thực hiện quy hoạch gắn với nông thôn mới, TP đã đầu tư hơn 8.340 công trình giao thông, điện, y tế, văn hóa… cho khu vực nông thôn ngoại thành. Cũng trong thời gian đó có gần 1.900 ha đất nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nông nghiệp sử dụng cây trồng, vật nuôi giá trị cao. “Điều này giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.HCM hơn 10.000 tỉ đồng trong sáu năm qua” - ông Trung nói.

Theo ông Trung, trong giai đoạn 2011-2015, TP.HCM đã tập trung đầu tư phát triển nông thôn mới với tổng giá trị đầu tư lên đến 47.500 tỉ đồng, trong đó vốn trung ương hỗ trợ 20,3 tỉ đồng, vốn ngân sách TP hơn 10.000 tỉ đồng. Phần còn lại hơn 37.000 tỉ đồng là vốn của doanh nghiệp, của nông dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm