TP.HCM: Quyết không để ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu doanh nghiệp

Sáng 19-3, Thường trực UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư sau ba năm thành lập với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ảnh: THANH TUYỀN

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nghe Sở KH&ĐT TP trình bày dự thảo kế hoạch những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Ông đánh giá đây là các giải pháp hết sức thuyết phục và nếu chúng ta thực hiện tốt thì hiệu quả hoạt động của tổ công tác đầu tư sẽ nâng thêm một bước, tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế TP trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hội nghị cũng đã tiếp nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông...

Bản thân ông Phong cho rằng, các ý kiến đó là chất liệu quan trọng để TP bổ sung, hoàn thiện kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, nhất là trong năm 2021. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài bên lề hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan như Sở KH&ĐT, Sở Tài Chính, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT phải đi đầu trong việc cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông cũng giao Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại, Sở KH&ĐT, Sở Công Thương thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe góp ý đối với môi trường đầu tư kinh doanh của TP cũng như những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị của TP với chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng đồng bộ quyết liệt, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi các dự án đi vào hoạt động. Trường hợp các khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo, đề xuất với TP; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Ông nhấn mạnh: “Chính quyền TP luôn cầu thị và mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của doanh nghiệp bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của tổ công tác đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư của TP ngày càng minh bạch, thông thoáng”.

Ông cũng nói thêm, Sở KH&ĐT phải thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của TP để tổng hợp, tham mưu, đề xuất, đưa vào chương trình làm việc của tổ công tác đầu tư TP; theo dõi chặt chẽ việc tổ chức thực hiện kết luận của tổ công tác; không để chậm trễ việc các nhiệm vụ, các công việc đã kết luận có thời hạn và thời hiệu, trường hợp phát sinh khó khăn mới vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay cho tổ công tác để chỉ đạo xử lý.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng đặt ra một câu hỏi: Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì biết kêu ai, gặp ai?

Ông Phong thông tin, doanh nghiệp gặp khó thì có thể hai địa chỉ sau để trình bày là Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và Sở KH&ĐT TP. 

“Đồng hành cùng doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành của chính quyền TP. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới, nhất là trong năm 2021 để đáp lại sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

TP mong muốn các doanh nghiệp kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào cải cách của TP, sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để tất cả doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và phát triển đi lên cùng TP” - ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong muốn gửi đến các doanh nghiệp một niềm tin lớn của chính quyền TP: “Chúng ta không chỉ kiên cường chiến đấu để vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua mà còn cùng nhau xây dựng TP trở thành một đô thị sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

4 giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cho TP.HCM

Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP.HCM gợi mở thêm các giải pháp và yêu cầu Sở KH&ĐT đưa vào bản kế hoạch.

Thứ nhất, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan. Sau này có sự cố gì xảy ra thì đơn vị đó chịu trách nhiệm; thậm chí liên quan đến thanh tra, kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm; người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm theo đúng cơ chế làm việc của UBND TP đã ban hành.

Thứ hai, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật không quá một lần trong năm; kết hợp thanh tra kiểm tra liên ngành, nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra; trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

“Việc này là để các doanh nghiệp đỡ phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra hết đợt này đến đợt khác" - ông Phong nói.

Thứ ba, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ chỉ thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ở điểm này, ông Phong nêu ra một thực tế là đã tiếp nhận một đơn thư của doanh nghiệp nước ngoài, họ phản ánh về tình trạng bị kêu lên nhiều lần để sửa hết chỗ này đến chỗ kia trong văn bản. Ông đã làm việc với đơn vị liên quan và yêu cầu giải trình cụ thể.

“Phải cam kết sắp tới sẽ không xảy ra tình trạng đó. Nếu để xảy ra tình trạng tương tự một lần nữa thì sẽ có biện pháp mạnh hơn. Nếu đặt mình vào trường hợp đó sẽ như thế nào, tâm trạng mình sẽ ra sao?” - ông Phong nói.

Thứ tư, ông yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình của cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện.

Cùng đó, trên 80% các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước hạn 96%; mỗi năm tiếp theo tăng 1%. Trên 60% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết TTHC của TP đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm