TP.HCM: Quyết khống chế dịch, phục hồi nhanh kinh tế

Ngày 4-12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI. Đây là hội nghị chuyên đề mở rộng đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P. THÙY

2021: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng 6% trở lên

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết TP dự kiến đưa ra 20 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021. Đáng chú ý, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt 6%.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, ông Liêm cho biết TP đề ra chín nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TP sẽ đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất UBND TP nên điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP thấp xuống cho phù hợp với tình hình bị tác động bởi dịch bệnh. Cũng có ý kiến cho rằng TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước mà chỉ đề ra chỉ tiêu tăng 6% thì khiêm tốn quá.

Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng một trong các giải pháp trong năm sau là TP sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần thứ hai cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch. Cùng đó, TP sẽ triển khai mạnh mẽ chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy các nhóm làm dịch vụ chủ yếu.

Ông Phong cũng khẳng định trong chín nhóm làm dịch vụ chủ yếu của TP có 7/9 nhóm ngành tăng trưởng khá. Trong khi đó chỉ có nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống và nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản là tăng trưởng âm.

Do đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng không thể hạ thấp chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP xuống dưới 6% mà sẽ phấn đấu để đạt từ 6% trở lên. “Đánh giá nhận định kinh tế TP, tôi vẫn có niềm tin chúng ta sẽ phát triển kinh tế theo mô hình chữ V (kinh tế suy giảm nhanh nhưng phục hồi cũng nhanh khi dịch bệnh được khống chế - PV) chứ không phát triển theo chữ L hoặc chữ U (kinh tế suy giảm kéo dài và phục hồi chậm - PV)” - ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay trong năm sau sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy du lịch nội địa phát triển.

Một đốm lửa nhỏ, vô ý thành cháy cả khu rừng”

Bên hành lang Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ với báo chí về vụ BN1342 gây lây lan dịch trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Nên nói: “Thật ra tôi rất đau lòng khi phải xử một người như thế. Họ cũng không cố ý nhưng mà nhìn xã hội mình đau lòng hơn… Một đốm lửa nhỏ, vô ý thành ra cháy cả khu rừng, buộc người quản lý phải chấp nhận nêu anh lên… Mỗi người phải thấy rằng mình có trách nhiệm với cộng đồng. Mình mà thiếu ý thức một chút, không nghiêm kỷ luật một chút là họa đến”.

Quyết liệt chống dịch, không để lây lan

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại hội nghị và nghiên cứu bổ sung trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đầu năm 2020, khi TP như cỗ xe đang chạy ngon thì bỗng dưng dừng lại do dịch. “Dịch đến đã làm mọi thứ đảo lộn, kéo tụt trở lại. Bởi vì tốc độ lây nhiễm nhanh và trên diện rộng, diễn biến phức tạp đã tác động đến kinh tế TP” - ông Nên nói. Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy cho rằng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các cấp chính quyền đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và với sự ủng hộ chung tay của người dân TP nên đã kịp thời khống chế dịch, không để lây lan.

Tuy nhiên, hiện nay dịch đang lây nhiễm trở lại. Do đó, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị một lần nữa cần kiên quyết khống chế và kiểm soát, không để dịch lan rộng.

Trong năm 2020, mặc dù kinh tế TP tăng trưởng rất thấp nhưng ông Nguyễn Văn Nên cho rằng vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì một số ngành công nghiệp dịch vụ giảm sút, có ngành giảm nặng, tăng trưởng âm, như dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 33,9%. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đầu tư còn hạn chế, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp chưa đáp ứng…

Do đó, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Bí thư Thành ủy đề nghị phải thực hiện quyết liệt mục tiêu kép là phòng bệnh và phục hồi kinh tế. TP phải huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nhìn thẳng sự thật để khắc phục những hạn chế

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng qua thảo luận thấy rằng tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo TP là luôn băn khoăn, lo lắng cho người dân. “Điều này thể hiện ở chỗ luôn quan tâm xem người dân lo lắng gì: Bồi thường giải phóng mặt bằng làm sao phải nhanh hơn, an ninh trật tự làm sao cho tốt hơn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phải chuyển biến, môi trường đầu tư phải tiến bộ hơn” - ông Nên nói.

Từ đó, ông đề nghị các cấp, các ngành cần nhìn lại mình để khắc phục những hạn chế và yếu kém, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng gây bức xúc cho người dân, như các vụ khiếu nại kéo dài ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao quận 9, dự án Sing Việt ở Bình Chánh, dự án Safari ở Củ Chi…

Đi sâu vào khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Nên cho biết vấn đề ở Thủ Thiêm đã, đang và sẽ tiếp tục được giải quyết. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền, kể cả cấp trung ương đang vào cuộc, tích cực đeo bám để phối hợp thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện nay có nhiều vấn đề, nhiều người cảm thấy khó khăn, đáng ngại và thấy lúng túng trong quá trình làm việc. Ông chia sẻ và cho rằng những vấn đề còn vướng mắc thì phải tháo gỡ, còn dở dang thì phải tiếp tục làm. “Việc gì sai thì uốn nắn sửa chữa, vi phạm thì phải xử lý. Đó là trách nhiệm của chúng ta” - ông Nên nói và cho rằng trách nhiệm của Đảng bộ TP nằm ở chỗ có dám nhìn thẳng vào sự thật không. Quan điểm nhất quán là sai chỗ nào sửa chỗ đó với động cơ trong sáng nhất và xử lý nghiêm minh nhất.

Vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm?

Phát biểu tại hội nghị, liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị (được phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM), cho rằng mặc dù năm nay TP làm rất quyết liệt nhưng mục tiêu đặt ra đến cuối tháng 10 giải ngân đạt 80% nhưng đến nay mới chỉ đạt hơn 60%.

TP.HCM: Quyết khống chế dịch, phục hồi nhanh kinh tế ảnh 2
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P. THÙY

“Đây là vấn đề mà năm 2021 phải làm nghiêm túc. Phải làm rõ tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm như thế nào, chứ không vấn đề này chỉ nói mãi chứ không biết ai chịu trách nhiệm. Chúng ta rất mong phấn đấu cả năm đạt 100% nhưng đến giờ này phải thấy là rất khó” - ông Nhân nói.

Lý giải về sự chậm trễ này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm chủ yếu tập trung ở vốn ODA. Nhưng ở vốn này cả nước cũng rất chậm, chỉ mới giải ngân được khoảng 40%, còn TP giải ngân chậm hơn mới chỉ đạt 32%.

Theo ông Phong, điểm nghẽn chính là ở giải ngân vốn ODA của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. “Sau nhiều lần làm việc với Thủ tướng và các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, qua đó TP đã nhiều lần kiến nghị từ tháng 9-2019 về tỉ lệ tiền đồng Việt Nam xung quanh vốn ODA của tuyến metro này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được” - ông Phong lý giải và cho rằng chỉ cần bỏ qua điểm nghẽn này thì tỉ lệ giải ngân sẽ tăng lên. Ông cũng cho biết thời gian tới TP sẽ làm quyết liệt vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm