TP.HCM quản lý người cách ly tại nhà bằng công nghệ ra sao?

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết từ ngày 17 đến 31-7, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà đối với các ca nghi nhiễm COVID-19 (F1).

Đây là giải pháp sử dụng hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) giám sát F1 do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cung cấp, sử dụng điện thoại di động thông minh để quản lý người đang được cách ly tại nhà. Dự kiến sau khi kết thúc thí điểm, Sở TT&TT và Sở Y tế sẽ phối hợp tham mưu UBND TP triển khai nhân rộng trên toàn TP.

Quận, huyện sẽ tự chọn phường, xã thí điểm

 Phóng viên: TP.HCM đã sẵn sàng để thực hiện cách ly các F1 tại nhà qua điện thoại di động thông minh như thế nào, thưa ông?

+ Ông Lê Quốc Cường (ảnh): Thực hiện các công văn của Bộ Y tế, UBND TP.HCM về việc thí điểm hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1, Sở TT&TT và Sở Y tế đã thống nhất sử dụng phần mềm VHD để giám sát người cách ly tại nhà.

Cụ thể, Sở TT&TT phối hợp với Sở Y tế, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT tổ chức 22 kênh hỗ trợ nghiệp vụ và kỹ thuật cho UBND TP Thủ Đức, 21 quận, huyện và 312 phường, xã, thị trấn. Đồng thời tổ chức bốn buổi tập huấn cho các địa phương tại 250 điểm cầu.

Đội ngũ tổng đài viên của cổng 1022 đã được tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến các vấn đề cách ly tại nhà.

Hiện nay, các địa phương đã sẵn sàng hạ tầng gồm thiết bị máy tính hoặc laptop có kết nối mạng, cài đặt sẵn phần mềm hỗ trợ từ xa để triển khai hệ thống. TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ có ít nhất một phường, xã tham gia đợt thí điểm này và do từng địa phương tự quyết định.

. Kỳ vọng lớn nhất của ông về hiệu quả của hệ thống này sẽ là gì?

+ Hệ thống VHD giúp quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Với ứng dụng này sẽ quản lý được tình trạng sức khỏe của các trường hợp cách ly, thống kê báo cáo kịp thời và chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh.

Phần mềm còn có chức năng kiểm tra đột xuất, đảm bảo giám sát các trường hợp cách ly tuân thủ đúng quy định thông qua hệ thống định vị và hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Tôi tin rằng bằng cách này sẽ giúp giảm tải, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung. Đồng thời tạo thuận lợi, thoải mái cho người cách ly, khi họ vừa cách ly vừa có điều kiện làm việc thông qua công nghệ thông tin, gần gũi với gia đình và duy trì các hoạt động thường ngày.

Tiếp tế lương thực cho người dân khu phong tỏa ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhận diện khuôn mặt, vị trí cách ly để tránh vi phạm

. Việc dùng thiết bị thông minh sẽ quản lý lịch trình, hoạt động, việc ra khỏi nhà của người bị cách ly ra sao?

+ Các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ phải khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình qua phần mềm VHD. Mỗi ngày người cách ly sẽ khai báo y tế ba lần và khai báo ngay khi dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở...

Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ để hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, khi cách ly tại nhà, nếu các F1 gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng phần mềm hoặc các vấn đề liên quan đến sức khỏe có thể liên hệ tổng đài 1022 của TP.HCM để được hỗ trợ.

. Như vậy làm sao phát hiện nếu người cách ly vi phạm các quy định?

+ Ngay khi các F1 bắt đầu quá trình cách ly tại nhà thì phải cài ứng dụng VHD, khai báo thông tin cá nhân, face ID và check in vị trí cách ly. Do đó, mỗi lần khai báo y tế, hệ thống sẽ nhận diện xem có đúng là khuôn mặt này, vị trí này hay không để tránh có người khác khai báo thay hoặc rời khỏi vị trí ban đầu check in. Nếu phát hiện vi phạm thì hệ thống sẽ cảnh báo.

Đặc biệt, cán bộ y tế giám sát có thể yêu cầu khai báo đột xuất nhằm theo dõi việc tuân thủ quy định của người được cách ly. Tuy nhiên, hệ thống VHD chỉ là một công cụ hỗ trợ quá trình cách ly các ca nghi nhiễm tại nhà. Vì vậy, rất cần ý thức tuân thủ, sự hợp tác của bản thân người được cách ly.

Có thể áp dụng cho cách ly F0 tại nhà

. Hiện nay, TP có chủ trương thí điểm cách ly F0 tại nhà. Vậy công nghệ này có thể ứng dụng cho cách ly F0 tại nhà không?

+ Sở Y tế đang xây dựng quy trình cụ thể về cách ly F0 tại nhà. Cũng như việc giám sát F1 tại nhà thì giám sát F0 tại nhà chắc chắn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Bản chất của phần mềm VHD là giám sát người được cách ly tại nhà bằng hệ thống định vị, nhận dạng khuôn mặt, khai báo y tế. Theo tôi, giải pháp VHD hoàn toàn có thể áp dụng được đối với diện F0 tại nhà. Tuy nhiên, khi nào có hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế thì Sở TT&TT sẽ phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel để cải tiến phần mềm này cho phù hợp.

 

Các điều kiện để F1 cách ly tại nhà

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, đối tượng F1 được thí điểm cách ly tại nhà là những người đang cách ly tập trung từ đủ bảy ngày đến dưới 14 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trước khi ra khỏi khu cách ly 24 giờ được chuyển về cách ly tại nhà.

F1 ở khu phong tỏa, khu vực nguy cơ ngoài khu phong tỏa nhưng thỏa các điều kiện về cách ly tại nhà và F1 ở khu vực khác (nguy cơ thấp hơn) cũng sẽ được cách ly tại nhà 14 ngày.

Điều kiện thực hiện cách ly tại nhà là F1 phải có nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư; phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Còn nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong gia đình là F1 thì xem xét cách ly tại nhà và không yêu cầu có phòng riêng cho mỗi người.

Những người cách ly tại nhà phải cài đặt, bật và khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng VHD. Đáng chú ý, lực lượng dân quân, công an và tổ COVID-19 cộng đồng cũng tham gia quản lý, giám sát sự tuân thủ của người cách ly. Trường hợp người cách ly vi phạm khai báo y tế trên ba lần, hoặc rời khỏi vị trí giám sát trên hai lần thì lực lượng chức năng có thể lập biên bản xử lý.

Ngoài ra, tùy vào mức độ đánh giá việc tuân thủ của người cách ly mà áp dụng biện pháp xử phạt hành chính vi phạm phòng chống dịch theo Nghị định 117/2020 hay buộc áp dụng hình thức cách ly tập trung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm