TP.HCM quản lý chặt việc khai thác nước ngầm

Dự kiến cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011, TP sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm công bố tình trạng lún mặt đất.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, hiện nhiều nơi ở TP đang bị lún, thậm chí có nơi lún đến 50 cm. Nhiều xã, phường ở 14 quận, huyện có tốc độ lún nhanh (7-10 mm/năm)... Đặc biệt, một số khu vực thuộc các quận 6, 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh (các quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh và Thủ Đức) có tốc độ lún đáng báo động, trên 15 mm/năm.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài nhận định tình trạng lún mặt đất ở TP có liên quan đến việc khai thác, sử dụng nước ngầm. Trong khi đó, công tác quy hoạch, quản lý và cấp phép khai thác nước ngầm còn nhiều hạn chế, biện pháp xử phạt không nghiêm, phí thu thấp… Ông Tài yêu cầu Sở TN&MT xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện những biện pháp quản lý, quy hoạch khai thác, sử dụng nước ngầm một cách hợp lý, chặt chẽ. Sở TN&MT chủ trì, đề xuất, trình TP hoàn thiện quy định về quản lý, khai thác nước ngầm kèm những biện pháp xử phạt cụ thể, kể cả với cá nhân khoan giếng mà không được cấp phép. Đối với khu vực cấm khai thác cần kiên quyết buộc ngưng, không gia hạn và phải trám lấp giếng lại. Song song đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phải nhanh chóng phủ kín mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân để thay thế việc sử dụng nước ngầm, nhất là ở những vùng hạn chế, cấm khai thác nước ngầm.

Ông Tài cũng yêu cầu trên cơ sở kết quả quan trắc lún mặt đất, Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các biện pháp cụ thể, như hạn chế phát triển đô thị tại các khu vực đất yếu, xây dựng lại toàn bộ lưới khống chế độ cao phù hợp với bối cảnh nước biển dâng và mặt đất bị lún... Sở TN&MT cũng phải lập bản đồ khai thác nước ngầm theo mục tiêu phát triển bền vững, gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển giao thông và các quy hoạch chuyên ngành để công bố rộng rãi cho người dân TP nắm bắt, thực hiện.

Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao nhiệm vụ chủ trì rà soát, xác định những vùng đất trũng, các địa điểm cụ thể và giải pháp đầu tư để xây hồ điều tiết nhằm chống ngập, trữ nước vừa tạo cảnh quan môi trường và bổ cập nguồn nước ngầm.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm