TP.HCM phải đột phá tổng thể, đừng xin từng tí một

Chiều 20-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội, doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp và cơ chế đặc thù về tài chính của TP.

Muốn đột phá, chờ xin cơ chế!

Báo cáo tóm tắt tại buổi làm việc, TP.HCM nêu ra những con số cơ bản của bốn tháng đầu năm. Xuất khẩu tăng 5% so với cùng kỳ, nông nghiệp tăng gần 6%, công nghiệp tăng 6,2%... so với cùng kỳ. Số tăng thấp nhất là ngân sách, chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sau khi nghe những con số lẻ này thì nói: “Trước đây thu hút đầu tư của TP lúc nào cũng “bỏ túi” hai con số. TP cần rà soát lại xem rào cản ở đâu”.

Trước vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng TP hoàn toàn có đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển hai con số mỗi năm (trên 10% - PV). Nhưng cơ chế kìm hãm khả năng khai thác nguồn lực. TP đang rất tích cực xây dựng cơ chế đột phá. Vấn đề ở đây là phải coi sự phát triển của TP là sự phát triển của cả nước. “Nếu đột phá không bằng nhu cầu thì lại thành cơ chế “xin-cho”. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, TP sẽ rất chủ động” - ông Thăng nói.

Ví dụ như việc liên kết phát triển vùng, Bí thư Thăng cho biết cần Chính phủ chỉ đạo giúp TP cơ chế vùng. Hiện nay đã có cơ chế đâu! Trong một vùng, anh này làm nông nghiệp, anh kia làm công nghiệp... kinh tế vùng phải có phân công rõ ràng trên giấy chứ không nói miệng được.

Cùng với cơ chế thì cũng cần sự tăng cường của các cấp trong tất cả lĩnh vực, Bí thư Thăng nhấn mạnh. Ông dẫn chứng: “Gần đây muốn thu phí ở một công trình, Sở GTVT ở đây xin ý kiến. Anh Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng ý nhé, anh Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đồng ý rồi nhé. Chuyện nhỏ bằng cái móng tay, xin thu phí thôi, thế mà đến nay vẫn chưa xong”!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang phát biểu tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 20-5. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát triển “hướng xuống đất” nữa

Nhận xét về những kiến nghị, những nội dung xin cơ chế đột phá của TP.HCM, TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng: “Đầu tàu thì phải có cơ chế vận hành khác. Đề án đột phá phải thấy tương đối tổng thể, chứ bây giờ mà nói xin đột phá có một tí tài chính, xin đổi từng tí một sao! Phải xin tổng thể, rồi trong đó tính ra đột phá từng cái gì, vào lúc nào”.

Ông góp ý: Quy hoạch lại TP theo tầm nhìn xa, nếu cứ quy hoạch kiểu từ từ thế này là tốn phí lắm. TP ta đang làm là TP hướng tâm, cái gì cũng thu hút vào quận 1 hết cả. Ta phải hướng ra ngoài đi. Và phải “hướng xuống đất” nữa! Phải có một cách hành động khác với quy hoạch TP, đổi tư duy lâu nay đi.

Cả TS Trần Đình Thiên khẳng định nếu TP có cơ chế để đột phá thì sẽ phát triển. “Không chỉ làm cho TP giàu lên riêng đâu mà cho cả nước, tạo sức lan tỏa, kéo cả nước lên” - TS Thiên nhấn mạnh.

Trước các vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị TP.HCM tiếp tục phát huy mặt tích cực, nổi trội để đẩy mạnh tăng trưởng hơn nữa, đặc biệt là mảng xuất nhập khẩu.

Phó Thủ tướng cũng cho hay tới đây Chính phủ sẽ có giải pháp, cố gắng tìm nguồn hỗ trợ phát triển cho TP. Đồng thời yêu cầu TP cần phối hợp Bộ KH&ĐT, Ban Kinh tế Trung ương, xây dựng cơ chế điều phối giữa các địa phương trong vùng.

“Vấn đề cơ chế tài chính thì đề nghị TP chủ động nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét quyết định các vấn đề tài chính, phân cấp cho TP về ngân sách, quyết định thu... Tôi nghĩ trên cơ sở đó trình Bộ Chính trị có ý kiến, trình Quốc hội có ý kiến” - ông Huệ nói.

Một số kiến nghị về... tiền

TP đề xuất một cơ chế đặc thù phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị đặc biệt. Cụ thể:

- Cấp lại cho TP.HCM một phần số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự kiến 8%-10%-12% trong tổng thu, thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho TP đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng sông, cảng biển, liên kết vùng.

- Cho phép TP phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không đưa về trung ương.

- Chia phần lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước trung ương làm đại diện chủ sở hữu cho ngân sách TP hưởng 50%.

- Cho phép TP giữ lại nguồn thu từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do UBND TP làm chủ sở hữu. Số thu này sẽ nộp vào tài khoản do Sở Tài chính theo dõi, quản lý nhằm tạo nguồn vốn bổ sung cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực then chốt của TP.

Có đất mới mà không trả đất cũ: “Hãy chỉ mặt, nêu tên ra đi”!

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay có tình trạng nhà, đất của các cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty lãng phí rất nhiều. Cho nên có thể xử lý sự lãng phí này để làm nguồn vốn. Thế nhưng “nhiều bộ có đất mới rồi nhưng nhất quyết không trả lại đất cũ. TP.HCM có vậy không?”.

Hội trường lác đác có tiếng nói “Có”.

Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Cứ chỉ mặt, nêu tên ra đi. Nếu TP quyết liệt làm thì đảm bảo là phải trả lại hết!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm