TP.HCM: Nhiều đại biểu ủng hộ bỏ HĐND quận, phường

Tháng 3-2020, Sở Nội vụ có tờ trình gửi chủ tịch UBND TP.HCM dự thảo văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận cho TP.HCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường.

Rất nhiều đại biểu (ĐB) HĐND quận, phường đồng tình với đề xuất này.

Nhiều đại biểu hoạt động không hiệu quả

Bà Lê Nguyễn Mộng Hà (Phó Chủ tịch chuyên trách HĐND phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho hay việc bỏ HĐND cấp phường không ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền mà còn giúp bộ máy tinh gọn hơn. Bà nhấn mạnh: Hiện nay, đa số ĐB HĐND ở phường là cán bộ, công chức, viên chức, do đó việc phát huy vai trò, hoạt động của một số ĐB vẫn còn hạn chế.

Bà ví dụ: Một cán bộ địa chính đồng thời là ĐB HĐND của phường thì với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của mình, có trường hợp không mạnh dạn góp ý, phản ánh ý kiến của người dân.

Theo bà Hà, hiện nay mỗi ĐB HĐND được tính 0,3% lương cơ bản. Phường Hiệp Bình Phước có 32 ĐB, nếu tính tổng thì mỗi tháng phải chi hơn 10 triệu đồng cho số ĐB này trong khi hiệu quả làm việc của ĐB HĐND phường không cao.

Cũng theo bà, lâu nay hoạt động giám sát thực tế của HĐND vẫn được thực hiện nhưng khó để có thể tập hợp được đủ tất cả ĐB HĐND cùng tham gia. Hơn nữa, hiện nay công tác giám sát còn được thực hiện thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể.

Có thực tế là phần tiếp công dân của ĐB HĐND phường ít hiệu quả. Người dân có phản ánh, kiến nghị hay bức xúc thì đến thẳng UBND phường để trình bày chứ không tìm đến ĐB HĐND hay các cuộc họp HĐND. Thêm vào đó, phía UBND phường hiện cũng làm rất tốt việc giải quyết khiếu nại của người dân. Chỉ một vài trường hợp kéo dài, quá thời hạn thì HĐND mới đốc thúc thêm.

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

công nghệ giám sát chính quyền

Ông Nguyễn Văn Hiệp (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường An Lạc A, quận Bình Tân) nhìn nhận thời gian qua, với đặc thù là địa bàn có dân số ít, tình hình an ninh trật tự tương đối ổn định nên HĐND phường không quá vất vả trong công tác giám sát. Bởi đa số các sự việc, vấn đề của người dân đều được UBND phường giải quyết ổn thỏa.

Ông Hiệp nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, đường dây nóng, các app trực tuyến của phường, quận tạo hiệu quả trong việc phản ánh vì tiết kiệm thời gian.

“Hệ thống camera đã phát huy tốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Phường cũng không có thư trễ hẹn, nhiều hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến với mốc thời gian, cán bộ tiếp nhận cụ thể, người dân có thể tự kiểm tra, theo dõi. Thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đã tránh tình trạng cán bộ đùn đẩy việc cho nhau, thủ trưởng cũng trực tiếp theo dõi… Vì vậy, HĐND giám sát nhẹ nhàng hơn với thời đại công nghệ hiện nay” - ông Hiệp nhìn nhận.

Theo đánh giá của ông Hiệp, hiện nay có nhiều vụ việc trên địa bàn được người dân gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tịch phường, cán bộ phường, mọi thứ được xử lý nhanh chóng chứ không cần đợi đến họp HĐND phường hay đợi gặp ĐB HĐND phường.

Ông Hiệp cho biết thời gian qua, phần lớn hoạt động của HĐND phường An Lạc A được thực hiện theo kế hoạch của UBND quận Bình Tân. Những nội dung nào mà phường còn hạn chế thì mới được đề ra để tiếp tục giám sát, theo dõi. Ngoài HĐND ra thì MTTQ, đoàn thể cũng chia nhau các nội dung để giám sát.

“Trong giám sát công tác lãnh đạo điều hành thì với tinh thần xây dựng, đóng góp cho chính quyền tốt hơn, không quá nặng nề...” - ông Hiệp nói thêm.

Ông cho rằng không tổ chức HĐND phường là hợp lý, vì các ĐB HĐND đều là kiêm nhiệm. Thời gian qua, thực hiện Quyết định 217/2013 của Bộ Chính trị ,việc giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã làm rất tốt. Ở các khu phố đều có Ban công tác mặt trận giám sát cán bộ, đảng viên. MTTQ cũng tham mưu tốt cho Đảng ủy, tham gia phát biểu, xây dựng chính quyền, tiếp nhận ý kiến cử tri…

bà Nguyễn Thị Bé Hai (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cũng nhìn nhận đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường phù hợp với tình hình hiện nay của các phường nói chung và phường Bình Hưng Hòa A nói riêng.

“Nếu không tổ chức HĐND phường thì cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền cấp phường” - bà Hai khẳng định.

Theo bà Hai, do UBND phường là cấp tổ chức thực hiện các vấn đề về quy hoạch, đầu tư, kết cấu hạ tầng đô thị, tài chính - ngân sách, tổ chức - nhân sự…, mà các vấn đề này chủ yếu là do cấp quận trở lên quyết định. Chương trình, kế hoạch hằng năm của HĐND phường chủ yếu theo chỉ tiêu của Đảng ủy và UBND quận giao. Thông qua thành viên của MTTQ và đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của quyền làm chủ của nhân dân.

Phát huy vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể

Ông Huỳnh Thanh Hùng (Phó Chủ tịch HĐND quận Bình Tân) cho biết tới đây nếu không tổ chức HĐND phường, quận thì về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền phường, quận tại quận Bình Tân. Bởi vì trong giai đoạn 2009-2016 quận cũng đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường theo Nghị quyết 26/2008 của Quốc hội.

Thời điểm đó, khi thực hiện thí điểm, hoạt động của chính quyền quận, phường đã đảm bảo được tính thông suốt trong quản lý, điều hành, quyền làm chủ của nhân dân cũng được đảm bảo và phát huy qua các kênh như hoạt động giám sát của ĐB Quốc hội, ĐB HĐND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. “Lãnh đạo quận, phường, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của quận thực hiện tốt việc tiếp công dân, đối thoại với dân để kịp thời giải quyết các bức xúc của nhân dân” - ông Hùng nhớ lại.

Đề xuất giải pháp thay thế vai trò của HĐND quận, phường trong thời gian tới, ông Hùng đề nghị HĐND cấp TP phải tăng cường hơn nữa việc giám sát việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật ở địa phương, nhất là giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp quận, phường.

Ông Hùng cũng cho rằng quyền làm chủ, quyền đại diện của người dân càng phải được phát huy thực hiện thông qua các kênh giám sát như ĐB Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp, cơ chế giám sát của cấp ủy Đảng… Đặc biệt là cơ chế thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới cần phải tăng cường hơn nữa, gắn liền với quy định chặt chẽ, rõ ràng và trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị.

bà Thái Mỹ Diệu (Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức) cho biết hiện nay số ĐB của HĐND quận Thủ Đức có 35/40 ĐB, giảm năm ĐB (bốn ĐB chuyển công tác có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐB và một ĐB qua đời), số lượng ĐB chuyên trách là ba, có 12 tổ ĐB HĐND quận.

Bà Diệu cũng nhìn nhận trong thời gian TP.HCM thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường theo Nghị quyết 26/2008 của Quốc hội, UBND quận, phường vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo và phát huy.

Bà cũng cho rằng việc bỏ HĐND quận, phường không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giám sát đối với chính quyền cấp quận, vì ngoài chức năng giám sát của ĐB HĐND TP và Quốc hội, quyền giám sát của người dân còn được thực hiện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như MTTQ Việt Nam, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh. Bên cạnh đó còn có các cơ quan thanh tra, kiểm tra như Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp, Thanh tra Nhà nước các cấp và Ban Thanh tra nhân dân.

“Nếu các đơn vị này phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ cùng với trách nhiệm gương mẫu của từng đảng viên, cán bộ, công chức tại từng cơ quan, đơn vị thì việc xây dựng chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân vẫn được đảm bảo hiệu quả, hiệu lực” - bà Diệu nói.

Hà Nội, Đà Nẵng không còn HĐND phường từ 1-7-2021

+ Ngày 27-11-2019, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Theo đó, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội chỉ có UBND phường. Việc thí điểm chính quyền đô thị ở TP Hà Nội thực hiện từ 1-7-2021.

Theo đề án, Hà Nội không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây và chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, công an. Thành viên UBND do chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm và bãi nhiệm.

Mô hình này giúp bộ máy gọn nhẹ, thông suốt, trách nhiệm của lãnh đạo phường được xác định rõ ràng, tiết kiệm cho ngân sách gần 200 tỉ đồng/năm.

+ Ngày 19-6-2020, Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Theo đó, ở cấp thành phố, Đà Nẵng cấu trúc chính quyền như các tỉnh/thành khác, gồm HĐND và UBND. Còn ở cấp quận và phường chỉ có UBND.

Việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền mới này sẽ bắt đầu từ 1-7-2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm