TP.HCM: Nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm

TP.HCM: Nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội nghị. Ảnh: Tá Lâm

Sáng nay (1-3), UBND TP.HCM tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị.
“Các đồng chí phải làm sao để bước ra khỏi hội trường này về là quyết tâm làm. Chỉ đạo thì đã có bí thư chỉ đạo rồi, giờ chỉ còn bắt tay nhau mà làm, để tội phạm không có đất sống” - ông Nguyễn Thành Phong nói như thế với lãnh đạo, công an các quận-huyện và các ban ngành khi mở đầu cuộc họp.
Tội phạm giảm nhưng tiềm ẩn thách thức
Sau khi nghe Giám đốc Công an TP Lê Đông Phong báo cáo về tình hình tội phạm, ông Nguyễn Thành Phong nói: Chúng ta đã nỗ lực và đạt được kết quả nhất định để kéo giảm tội phạm trên địa bàn TP. Tuy nhiên, phạm pháp hình sự có giảm nhưng chưa căn cơ, vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều thách thức…
“Đề nghị các đồng chí thể hiện quyết tâm chính trị cao để làm sao kéo giảm tình hình tội phạm một cách căn cơ. Tôi đề nghị chúng ta phân tích, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế đặt ra. Những giải pháp mà Công an TP đề ra còn vướng mắc gì, cần bổ sung vấn đề gì? Mục tiêu của chúng ta là kéo giảm tội phạm để mang lại bình yên cho người dân, để cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Không nói lý luận nữa mà phải trình bày rõ những giải pháp cụ thể” - ông Phong đề nghị.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định trong việc chống tội phạm thì chủ công là công an nhưng trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị. “Đừng ỷ lại và nói việc này là của riêng ngành công an là không được” - ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho rằng có những mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc của quần chúng nhân dân rất hiệu quả, đáng nhân rộng. “Như vậy thấy rõ việc giảm tội phạm không phải chỉ là nỗ lực của ngành công an, sự chỉ đạo cấp ủy từng nơi là rất quan trọng” - ông Phong nói.
Tại hội nghị, chủ tịch TP đã phê bình lãnh đạo một số chủ tịch quận, huyện không có mặt mà cử cấp phó đi thay.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định vẫn còn tình trạng cán bộ một số nơi làm việc kiểu đối phó, thiếu trách nhiệm trong chống tội phạm. Đặc biệt là cơ chế xử lý người đứng đầu trong vấn đề phòng, chống tội phạm là chưa quyết liệt.
Đề xuất hỗ trợ camera hành trình
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết năm qua ghi nhận xảy ra hơn 6.000 vụ phạm pháp hình sự (so với năm 2014 giảm 377 vụ), giảm chủ yếu ở các loại án xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp giật.

Giám đốc Công an TP Lê Đông Phong báo cáo tình hình tội phạm trên địa bàn TP tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhìn nhận phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng còn tiềm ẩn nhiều thách thức như các băng nhóm tội phạm từ các tỉnh, thành vào TP hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giải trí nhạy cảm (vũ trường, quán bar…) có chiều hướng co cụm và dịch chuyển sang các địa bàn vùng ven, móc nối với các băng nhóm, đối tượng hình sự tại địa phương để thực hiện các hoạt động đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc trái phép…
Trước tình trạng đó, người đứng đầu ngành công an TP đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm phòng, chống tội phạm tình nguyện. Nhân rộng mô hình camera an ninh trật tự tại các địa bàn cơ sở cấp phường-xã-thị trấn (theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”). Nghiên cứu cơ chế huy động quỹ phòng, chống tội phạm và thưởng bằng vật chất cho quần chúng nhân dân có thành tích trong trực tiếp truy bắt tội phạm hoặc cung cấp tin báo có giá trị trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
“Cụ thể theo hướng UBND phường-xã-thị trấn vận động cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký trước. Khi có quần chúng có thành tích, công an phường-xã-thị trấn thông tin ngay cho cá nhân, doanh nghiệp đến trực tiếp trao thưởng hoặc ủy quyền cho UBND, công an phường-xã-thị trấn trao thưởng nếu không muốn công khai danh tính” - ông Phong nói.
Bày tỏ quan điểm đồng thuận với những giải pháp mà Công an TP đưa ra, Đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an quận 1, cho rằng nếu nói địa bàn TP là trung tâm thì “quận 1 là trung tâm của trung tâm”, áp lực phòng, chống tội phạm thời gian qua trên địa bàn quận rất nặng nề, đặc biệt là các năm 2013-2014 tội phạm tăng đột biến.
Riêng năm 2015, quận ghi nhận có 345 vụ phạm pháp hình sự. Hai loại tội phạm cướp giật và trộm cắp chiếm hơn 82% (trong khi chỉ tiêu Công an quận 1 đề ra phấn đấu dưới 60%). Tỉ lệ khám phá hai loại án này rất thấp, chỉ đạt hơn 51%.
Ông Đạt đề xuất tăng cường thêm phương tiện, trong đó có công cụ hỗ trợ camera hành trình cho lực lượng hình sự đặc nhiệm, tăng thêm mức thưởng cho người tham gia tố giác, truy bắt tội phạm, tăng chính sách hỗ trợ cho bảo vệ dân phố…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Huỳnh Thanh Nhân cũng cho biết trong hai năm qua quận đã trang bị cho lực lượng hình sự đặc nhiệm camera hành trình, áo giáp, áo chống đạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm