TP.HCM kiến nghị tạm dừng bậc thang giá điện

Sáng 8-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội bốn tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị bảy nhóm vấn đề với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành Trung ương.

TP.HCM kiến nghị tạm dừng bậc thang giá điện ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị bảy nhóm vấn đề. Ảnh: Trung tâm báo chí

Về hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác hỗ trợ để ổn định đời sống và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về giá điện, ông Phong cho rằng mặc dù Bộ Công Thương đã giảm 10% giá điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện trong vòng ba tháng (từ tháng 4 đến 6 năm 2020), ước tính tổng số tiền giảm khoảng 11.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hiện vẫn áp dụng giá điện bậc thang trong bối cảnh khí hậu nóng, doanh nghiệp mới hoạt động kinh doanh trở lại sau khi hết cách ly xã hội khiến nhu cầu dùng điện tăng cao, dẫn đến mức chi tiêu tăng lên.
Do đó, ông Phong kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam.
Bên cạnh giá điện, ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế (vì theo Nghị định 41/2020 ngày 8-4- 2020 thì chủ yếu doanh nghiệp hoạt động rồi mới được giãn thuế và tiền thuê đất).
Ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6-2020 được giãn tiến độ năm tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020.
Về tổ chức bộ máy, ông Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM xây dựng Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TP.
Theo ông Phong, trên thực tế TP đã có kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (giai đoạn 2009-2016); nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của TP, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, UBND TP chủ động xây dựng dự thảo đề án, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua.
Ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức như quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Bởi vì việc sáp nhập ba quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ mặc dù theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc thành lập TP trực thuộc TP trực thuộc Trung ương là phù hợp quy định. TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc Trung ương” - ông Phong nói.
Ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm việc thành lập Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp TP.HCM. “Việc này là cần thiết, có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” - ông Phong lý giải.
Ông cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận - huyện thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận - huyện.
Về công tác quy hoạch, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ chức năng quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ để thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, quận 9.
TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 tại vị trí khu đất 384,2 ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn từ chức năng đất dự trữ phát triển, cây xanh, thể dục thể thao thành chức năng dịch vụ đô thị kết hợp khu đô thị sinh thái.
Cho phép thành phố lập Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đối với Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380 ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đưa ra khỏi quy hoạch ba khu công nghiệp, bao gồm: Phước Hiệp, Bàu Đưng (huyện Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) trong danh mục quy hoạch phát triển các khu công nghiệp TP.HCM được phê duyệt tại Công văn số 1300 ngày 24-7-2014 của Thủ tướng.
Lý giải, ông Phong cho biết do vị trí địa lý các khu trên không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng, quy hoạch dự án kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, quyền lợi chính đáng của người dân.
Về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo công tác về thẩm định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

TP.HCM kiến nghị tạm dừng bậc thang giá điện ảnh 2
Các đại biểu TP.HCM làm việc với Thủ tướng. Ảnh: Trung tâm báo chí

Về điều chuyển tài sản công, ông Phong kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định điều chuyển cơ sở nhà đất 123 Trương Định (phường 7, quận 3) và cơ sở nhà đất số 149 đường Pasteur (phường 6, quận 3) từ Văn phòng Thành ủy sang UBND TP.

Chuyển cơ sở nhà đất 66-68 Trương Định (phường 7, quận 3) từ UBND TP sang Văn phòng Thành ủy để việc đầu tư xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố và trụ sở làm việc của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đảm bảo đúng tiến độ, chặt chẽ về pháp lý.

Ngoài ra, ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận điều chuyển nhà đất 238 đường Ba Tháng Hai (phường 12, quận 10) từ Văn phòng Thành ủy sang cho Công ty TNHH MTV Du lịch Kỳ Hòa hiện đang quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh cho phù hợp quy định của pháp luật.
Về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn TP, ông Phong kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP.HCM giao cho chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch đối với quỹ đất có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện để hình thành một dự án độc lập.
Ông cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo để có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 11 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị...
Về thực hiện luật đầu tư công năm 2019, ông Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019, vì theo quy định, tổng vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không được vượt quá 20%.
Theo ông Phong, quy định này gây ra khó khăn cho các địa phương. Do đó, kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, theo đó, quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm