TP.HCM: Kiểm sát chặt tin báo tố giác tội phạm

Chiều 12-1, tại TP.HCM, 13 cơ quan đã ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan liên quan trên địa bàn TP.

Kiểm sát chặt tin tố giác tội phạm

Theo quy chế, khi xác định vụ, việc, đơn thư có dấu hiệu tội phạm thì công an, VKS, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm, bộ đội biên phòng giao cho các đơn vị trực thuộc tiến hành các hoạt động xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Các cơ quan tòa án, thanh tra, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Cục Thi hành án dân sự, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác khi tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển ngay các tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp để kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Trong quá trình giải quyết, các cơ quan có trách nhiệm trao đổi, cung cấp tài liệu để đảm bảo việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đúng thời hạn, trình tự, thủ tục luật định. Sau khi có kết quả giải quyết, đơn vị tiếp nhận cuối cùng phải thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong thời hạn ba ngày làm việc.

Nếu thấy cần, các cơ quan có văn bản đề nghị VKS, cơ quan điều tra cử cán bộ phối hợp phân loại, xử lý các tin tố giác, tin báo có dấu hiệu tội phạm hình sự. Trường hợp khẩn cấp, lãnh đạo cơ quan đề xuất có thể trao đổi bằng điện thoại, sau đó chuyển công văn...

Định kỳ sáu tháng và một năm, các đơn vị tổng hợp vụ việc đã thụ lý và kết quả giải quyết gửi đến VKSND TP.HCM để tổng hợp báo cáo liên ngành.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Trần Thế Lưu phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: TÁ LÂM

Sẽ bớt tình trạng giấu án

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Dương Ngọc Hải - Viện trưởng VKSND TP.HCM cho biết thời gian qua hoạt động giải quyết tin tố giác tội phạm chưa đạt yêu cầu, các cơ quan còn lúng túng do chưa có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin. Quy chế sẽ đưa hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin tố giác tội phạm đi vào nề nếp.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đề nghị cơ quan điều tra được tiếp cận, tham gia sớm vào khâu phân loại nội dung tin báo tố giác tội phạm để xác định dấu hiệu hình sự, đảm bảo giải quyết tin tốt hơn. “Cơ quan điều tra tiếp nhận thông tin càng sớm thì việc giải quyết tin báo càng hiệu quả” - tướng Minh nói.

Ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, cho là lâu nay ý thức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, văn bản hướng dẫn thi hành chưa rõ ràng. Một số đơn vị có biểu hiện giấu cập nhật tin báo theo quy định hoặc đùn đẩy cho đơn vị khác thụ lý giải quyết vì thành tích thi đua nhưng chưa được kiểm tra, chấn chỉnh. “Trong điều kiện các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo thì việc có quy chế phối hợp thực hiện nội dung này là yêu cầu cấp thiết” - ông Lưu nói.

Ông Lưu đề nghị trên cơ sở quy chế được ký kết, các đơn vị cần chủ động quán triệt đến cán bộ, công chức đơn vị mình nắm và thực hiện, rà soát các quy định để thực hiện tốt quy chế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm