TP.HCM: Dẹp vỉa hè không phải để thu phí

Ngày 5-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm 2017.

Phải huy động hơn 300.000 tỉ đồng

Đại biểu (ĐB) Võ Thị Ngọc Thúy cho biết trong sáu tháng đầu năm, TP tăng trưởng đạt 7,76%. Do vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2017 (8,4%-8,7%) thì trong sáu tháng cuối năm, kinh tế TP phải tăng trưởng ít nhất 9,2%. Nghĩa là trong khoảng thời gian này TP.HCM phải huy động được hơn 300.000 tỉ đồng.

“Đây là con số rất lớn nên TP cần tập trung nhiều giải pháp để thu hút như nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính… Sau khi có vốn rồi thì sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đầu tư công nghệ cao nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững” - bà Thúy góp ý.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Lê Nguyễn Minh Quang băn khoăn sáu tháng đầu năm thu nhiều hơn chi nhưng chi thường xuyên cao gấp đôi chi cho đầu tư phát triển. Đến nay chi cho đầu tư phát triển mới chỉ giải ngân được 24% (6.000 tỉ đồng). “Vì vậy, TP cần phân tích rõ nguyên nhân mặt được, mặt chưa được. Cần phải phân tích vì sao chúng ta có vốn nhưng giải ngân chậm, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung của TP” - ông Quang đề nghị.

Giám đốc Sở KH&ĐT Sử Ngọc Anh giải trình trước nghị trường. Ảnh: HTD

Tạo điều kiện hết mức cho DN

Giải trình trước HĐND, Giám đốc Sở KH&ĐT Sử Ngọc Anh phân tích về giải pháp để giúp kinh tế TP tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm, đối với các ngành sản xuất công nghiệp cần phải có nỗ lực về thị trường, vốn và lao động. Trong đó, về thị trường trong nước, TP sẽ duy trì kết nối hàng hóa, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mở rộng thị trường trong khu vực và các tỉnh, TP đã kết nghĩa để đảm bảo tăng trưởng. Về thị trường nước ngoài, sẽ tăng cường mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, TP tập trung cải thiện môi trường đầu tư như tạo môi trường thuận lợi cho DN tiếp cận đăng ký kinh doanh, đảm bảo tiếp cận quy hoạch đất đai, vốn, giảm chi phí không chính thức, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho DN. Đồng thời, chú trọng yếu tố nguồn lực lao động, trong đó sẽ giao cho các đơn vị tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của DN đặt ra như đào tạo về ngoại ngữ, kỹ năng quản lý.

Ngoài ra, đối với vấn đề phát triển DN, TP không chỉ tập trung phát triển về số lượng mà coi trọng về chất lượng phát triển của DN. Trong đó, TP thường xuyên gặp gỡ DN để tháo gỡ khó khăn, hình thành các gói tín dụng hỗ trợ DN, tổ chức chương trình kết nối ngân hàng-DN, nhất là cho DN vừa và nhỏ, hình thành trung tâm khởi nghiệp.

Không phải dẹp vỉa hè để thu phí

Trước băn khoăn của ĐB về việc cho thuê vỉa hè sau khi đã dọn dẹp khiến người dân hiểu lầm, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định hoàn toàn không phải dọn dẹp vỉa hè, lòng đường là để thu phí. Việc thu phí sử dụng tạm lòng lề đường, vỉa hè đã có từ trước.

Theo ông Khoa, về bình diện chung, kể cả các nước cũng vậy, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường được phép vào mục đích sinh lợi thì phải có nghĩa vụ nộp lại một phần cho Nhà nước. Ở TP.HCM có duy trì một số điểm cho phép đậu xe có thu phí ở lòng đường. Vừa rồi Sở GTVT có trình cho UBND TP về mức thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường vì mức thu hiện nay đã lạc hậu quá rồi. Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP có kết luận tạm thời chưa bàn đến việc nâng phí vì TP.HCM đang lập lại trật tự đô thị.

“Xin báo thêm với các ĐB là chỗ nào có thể tạo điều kiện cho người dân kinh doanh (như để xe tự quản) thì không thu tiền, còn sử dụng vỉa hè thu lợi như tổ chức bãi giữ xe để lấy tiền thì khác” - ông Khoa nói.

Chờ kiểm định xong thì đã muộn…

Thảo luận về vấn đề an toàn thực phẩm, ĐB Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ lo lắng về việc kiểm soát thức ăn đường phố và cửa hàng ăn uống. Ông Nhựt nhấn mạnh: “Thấy kết quả thanh tra, kiểm tra trên 30.000 cơ sở thì phát hiện 17.000 cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến chúng tôi rất lo”.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhìn nhận thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống chưa đăng ký kinh doanh còn nhiều, thiếu quy hoạch gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, chưa kiểm soát tốt nguyên liệu chế biến, điều kiện chế biến, phụ gia sử dụng, chất bảo quản.

“Hiện nay có tình trạng ở chợ đầu mối, các lô hàng trong khi chờ xét nghiệm, kiểm định thì đã đưa đi tiêu thụ ở các chợ lẻ. Nghĩa là trong lúc chờ kiểm định thì hàng đó đã được tiêu thụ nên nếu kiểm định có kết quả lô hàng đó không đảm bảo về an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng cũng đã sử dụng rồi” - bà Tâm cho biết.

Chất vấn Sở Nông nghiệp về sử dụng đất

Theo chương trình làm việc, hôm nay (6-7), HĐND TP.HCM sẽ tiến hành phiên chất vấn. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết HĐND TP sẽ chất vấn giám đốc Sở NN&PTNT về các nội dung như quy hoạch đối với nông nghiệp, sử dụng đất trong nông nghiệp và quy hoạch ngành nông nghiệp TP.

Ngoài ra, các ĐB có thể chất vấn xoay quanh các vấn đề về chiến lược phát triển nông nghiệp của TP, chiến lược kết nối sản phẩm, tạo điều kiện cho nông sản của TP, đảm bảo chất lượng, phát triển hợp tác xã, chuyển giao công nghệ cao, giống…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm