TP.HCM: Đề xuất mở lại chợ truyền thống cho người có thu nhập thấp

Chiều 15-7, tại hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, nhìn nhận việc cung ứng hàng hoá bị đứt gãy do những điểm trung chuyển lớn như chợ đầu mối, chợ truyền thống đã tạm ngưng.

Sản lượng lương thực giảm 50%

Theo ông Vũ, trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thì TP cần khoảng 7.000 tấn lương thực thực phẩm cho một ngày. Tuy nhiên khi ngưng ba chợ đầu mối, dù đã vận động các thương lái nhưng sản lượng đã giảm khoảng 50%.

thuc-pham-tphcm

Người dân TP.HCM mua hàng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: HOÀNG GIANG

Do đó, TP.HCM đã vận động hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp tăng năng lực cung ứng hàng hoá.

Từ ngày 1-7, TP huy động thêm các kênh khác từ doanh nghiệp logictis, VNPost, Viettel,… hỗ trợ. Đồng thời khai thác các khu vực gần chợ đầu mối làm nơi trung chuyển hàng hoá, phát huy việc thương lái giao hàng qua điện thoại, đưa hàng về TP.HCM; huy động các công ty bưu chính, giao hàng nhanh, doanh nghiệp logictics,…. bổ  sung 1.000 điểm bán hàng.

Ông Vũ cũng nhìn nhận, hôm qua (14-7) là ngày khó khăn khi người dân tập trung đông đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng hoá. Sau khi TP bác tin đồn thì số lượng này đã giảm. 

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Công thương cho biết sẽ làm việc với các địa phương để đánh giá việc mở lại các chợ truyền thống.

“Chúng tôi sẽ bàn với MTTQ TP và đoàn thể để hoạt động chợ truyền thống theo mô hình tự quản, dưới sự giám sát và điều hành của cô chú cựu chiến binh, phụ nữ; giảm thiểu tối đa số lượng sạp để giảm khoảng cách 5K, hướng dẫn tiểu thương bán hàng đồng giá, không giao dịch lâu, ….” – ông Bùi Tá Hoàng Vũ khắng định.

Ông Vũ cũng tiếp lời: “Làm sao đưa các chợ đủ điều kiện hoạt động để người dân có thu nhập thấp và trung bình tiếp cận với nguồn rau củ quả”.

Ngoài ra ông Vũ cũng khẳng định Sở đã làm việc với các doanh nghiệp như  Tiki, Lzada, Sendo thống nhất bán hàng rau củ quả trên nền thương mại điện tử và họ đã đồng ý.

Tính toán mở lại chợ truyền thống

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Công thương chú ý đến những khu phố đông người dân có thu nhập thấp.

Theo ông Phong, thời gian qua, TP đã nỗ lực những vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá.

thuc-pham-tphcm

Người dân giãn cách mua hàng ở các gian hàng 0 đồng. Ảnh: MINH TÂM

Đối với việc mở lại chợ truyền thống, ông Phong cho biết Bộ trưởng Bộ Công thương có đưa ý kiến về mở lại chợ, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần cẩn trọng trong việc này.

Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Công thương suy nghĩ, tham mưu Ban Chỉ đạo, có thể bán hàng ở quảng trường.

Ông Phong dẫn chứng huyện Hóc Môn có sáng kiến rằng, thay vì bán trong chợ thì kẽ ô, kẽ vạch để bán ở giữa lòng, lề đường, đảm bảo khoảng cách khi vào mua, theo mô hình ô bàn cờ. Từ đó, phục vụ cho người dân, khi hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang vượt quá khả năng cung ứng.

Ông cũng đề nghị Sở Công thương nên có tính toán cụ thể, với từng địa bàn cụ thể, chứ không nói trên phạm vi toàn TP.

 

Đề xuất dừng công trình xây dựng

Tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhìn nhận tình hình giao thông trên địa bàn TP đã giảm 70-86% trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Ông Lâm đã đề nghị TP hạn chế việc công nhân đi lại tại các công trình, có thể tạm dừng các công trình đang xây dựng trên địa bàn, ngoại trừ các công trình trọng điểm quốc gia. Từ đó, hạn chế được vấn đề đi lại và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cũng nêu khó khăn về việc di chuyển qua lại các địa phương của tài xế. Ông đề nghị sớm thống nhất cơ chế lưu thông với các tỉnh để tránh tắc nghẽn việc cung cứng hàng hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm