TP.HCM đảm bảo lấp đầy lương thực, hàng hóa phục vụ cho dân

Chiều 31-3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM đã họp trực tuyến nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt là bàn các giải pháp sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã nêu lại Chỉ thị 16 của Thủ tướng và đề nghị lãnh đạo các sở, ngành báo cáo về các giải pháp thực hiện chỉ thị này trên địa bàn TP.HCM.

Giám đốc Sở Công Thương Phạm Thành Kiên cho biết ngay sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, bắt đầu từ trưa nay ở các siêu thị người dân đã tập trung đi mua hàng hóa rất đông. Số lượng tăng 20%-30% so với ngày hôm qua.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp chiều 30-3, ông Phong đã giao Sở Công Thương cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân, trong đó phải đảm bảo yêu cầu người dân tiêu thụ bao nhiêu phải lấp đầy hàng hóa bấy nhiêu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, kể cả trong tình huống xấu nhất.
“Đối với người lớn tuổi sống đơn thân, không thể ra khỏi nhà, phường, xã cần thiết lập đường dây liên lạc để có biện pháp hỗ trợ trong việc mua nhu yếu phẩm, thuốc men” - ông Phong nói.
Sở Công Thương cũng vừa có văn bản gửi Sở TT&TT, UBND 24 quận, huyện để tuyên truyền cho người dân được biết về các điểm bán lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP.
Văn bản nêu rõ, các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.
Sở Công Thương đề nghị người dân hạn chế đến các điểm mua bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Thực hiện theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế về đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa hai người; và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Trước đó, trong báo cáo về diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu và các giải pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, Sở Công Thương đã xây dựng ba tình huống để cung ứng hàng hóa cho người dân với số ca nhiễm mới dưới 100, dưới 300 và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30%-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối.
Đồng thời, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Các doanh nghiệp sẽ tăng cường bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử.
Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân TP yên tâm, không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng thị trường; chấp hành nghiêm yêu cầu không tập trung đông người, không ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao lại không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Đảm bảo không quá 1/3 cán bộ, công chức đến cơ quan
Về các giải pháp công việc đối với các cơ quan hành chính nhà nước, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, đề xuất các cơ quan bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, phân công giao việc và quản lý công việc theo phần mềm văn phòng điện tử và sẽ theo dõi kết quả công việc của công chức, viên chức.
Ông đề nghị tại cơ quan phải hạn chế đến mức thấp nhất, đảm bảo không quá 1/3 cán bộ, công chức đến cơ quan làm việc, trừ các trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của cấp trên. “Làm việc tại nhà phải chấp hành nghiêm túc của người đứng đầu, sẵn sàng mở điện thoại 24/24 giờ để người đứng đầu phân công nhiệm vụ” - ông Lắm nói và cho biết đối với giải quyết thủ tục hành chính chỉ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng (cấp độ 3-4).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm