TP.HCM cấp tốc đưa gói hỗ trợ lần 2 tới người dân

Sáng 10-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Mở rộng diện hỗ trợ, phấn đấu 15-8 tới tay dân

Liên quan đến chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết sau gói hỗ trợ lần 1 theo Nghị quyết 09 của HĐND TP, khi thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần 2, trong đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 900 tỉ đồng.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phát biểu tại buổi họp báo.
Ảnh: TÁ LÂM

Theo đó, TP tiếp tục hỗ trợ 365.000 người lao động (NLĐ) tự do với mức 1,5 triệu đồng/người. Người nhận hỗ trợ là những người buôn gánh bán bưng, bảo vệ, khuân vác, thu gom giấy vụn… TP phấn đấu đến ngày 15-8 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ tới tận tay NLĐ tự do.

Cùng đó, TP cũng mở rộng diện hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/hộ cho gần 90.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo (gồm 1,2 triệu đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng). Đặc biệt, khoảng 170.000 hộ lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa mà gặp khó khăn thực sự thì mỗi hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.

Ông Tấn lưu ý không phải bất cứ người ở nhà trọ nào cũng được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ người thật sự khó khăn ở các nhà trọ, xóm nghèo, khu vực phong tỏa. Gói hỗ trợ này không phân biệt thường trú hay tạm trú, TP sẽ chuyển qua tài khoản cá nhân hoặc nếu không có tài khoản thì sẽ đến trực tiếp từng nhà hỗ trợ bà con.

“TP.HCM bảo đảm không sót, không trùng, nếu một hộ thuộc nhiều diện thì chỉ nhận được một gói. Ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo có từ ba nhân khẩu trở lên, hộ lao động có từ ba người trở lên hỗ trợ trước” - ông Tấn nói và cho biết kinh phí hỗ trợ đợt này vừa từ ngân sách TP vừa từ sự hỗ trợ của cộng đồng.

Riêng về chính sách nếu có người không may tử vong do nhiễm COVID-19, TP sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí từ ngân sách TP, theo đó sẽ hưởng mức 50 lần so với mức hỗ trợ hằng tháng (tương đương 17,4 triệu đồng/trường hợp tử vong).

Kết quả thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM

Đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ 52.000/56.000 công nhân, NLĐ (đạt 92%); 5.800 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 (đạt 100%); 15.000/16.500 hộ thương nhân ở chợ truyền thống (đạt 90%); hơn 365.000 NLĐ tự do không ký hợp đồng lao động (đạt 100%)… với kinh phí 576 tỉ đồng. 

“Sớm một chút dân đỡ một chút”

Lý giải về việc một số phản ánh của người dân chưa nhận được hỗ trợ, liệu có phải bị bỏ sót hay không, ông Lê Minh Tấn khẳng định quan điểm của TP là không để một NLĐ nào ở trên địa bàn rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ. “Dứt khoát là như thế, không để sót người khó khăn cần hỗ trợ” - ông Tấn nói.

Đối với việc hỗ trợ NLĐ tự do trong đợt 1, ông Tấn cho biết để nhận hỗ trợ, NLĐ cần có nơi cư trú hợp pháp trên địa bàn TP. Khu phố, ấp, tổ dân phố họp xét danh sách hỗ trợ, có cả công an khu vực tham gia và ai có cư trú hợp pháp thì mới được hỗ trợ, ai chưa có cư trú hợp pháp thì chưa được hỗ trợ.

Cũng theo ông Tấn, người nào khó khăn, thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo của TP.HCM (4 triệu đồng/người/tháng) thì được hỗ trợ chứ không phải bất cứ ai là lao động tự do cũng được hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Tấn cũng thừa nhận thời gian qua, một số nơi làm chưa tốt thì TP.HCM đã và sẽ chấn chỉnh, bổ sung hỗ trợ người dân. “Chậm một chút thì dân khổ một chút, sớm một chút thì dân đỡ một chút. Mong bà con hiểu để thông cảm, chia sẻ khó khăn, nỗ lực của sở và các đơn vị, phường, xã” - ông Tấn nói.

Đối với xe ôm truyền thống, ông Tấn khẳng định quan điểm của TP.HCM là hỗ trợ xe ôm truyền thống vì những người này không có công nghệ bắt mối, chỉ ngồi ở các chợ, siêu thị, ngã ba, ngã tư đường đón khách.

Quyết liệt không để tình trạng “ngoài chặt trong lỏng”

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết hiện nay vẫn còn tình trạng người dân lưu thông sai quy định trên đường phố, tụ tập, chống người thi hành công vụ, “ngoài chặt trong lỏng”…

Vì vậy, ông mong báo chí tăng cường tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu và ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch của TP, giữ vững các kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua.

TP.HCM cấp tốc đưa gói hỗ trợ lần 2 tới người dân ảnh 2
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Khuê, tuần này, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM và Công văn 2468 của UBND TP; tiếp tục quyết tâm không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt trong lỏng”.

TP cũng tăng cường đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác điều trị để tập trung hạn chế các ca F0 tăng nặng và giảm tỉ lệ tử vong. Theo đó, các ban, ngành, đơn vị, lực lượng cần nhập cuộc với tâm thế vì sức khỏe và sự an toàn của nhân dân là trên hết. “Giai đoạn khó khăn, mọi sự chia sẻ, đồng hành là rất quan trọng để TP sớm khống chế dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới” - ông Khuê nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm