TP.HCM cần 850.000 tỉ đồng cho 7 chương trình đột phá

“TP.HCM đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe, biến đổi khí hậu và nhập cư. Đây không chỉ là những trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của TP”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh như trên tại hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia các dự án thực hiện bảy chương trình đột phá của TP. Hội nghị do UBND TP.HCM tổ chức sáng 24-8.

Ông cho biết trong thời gian qua, ngoài các cơ chế chung của Chính phủ, TP đã sáng tạo và ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách riêng để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư bảy chương trình đột phá. Cụ thể như chương trình kích cầu đầu tư, chương trình huy động vốn đầu tư xây dựng trường mầm non công lập, chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

Hiện nay lợi thế lớn nhất của TP là dư địa tăng trưởng kinh tế còn rất cao. TP hoàn toàn có đủ cơ sở để nằm trong tốp 10 TP đẳng cấp thế giới nếu TP có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù và biết khơi dậy nguồn vốn của các tổ chức tín dụng và nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng bảy chương trình đột phá do Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đề ra như một giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề ngập nước, kẹt xe, nhập cư... Việc hoàn thành bảy chương trình đột phá sẽ tạo xung lực mới, có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để TP phát triển, đồng thời cũng sẽ giải quyết được những bức xúc, trăn trở của người dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay nhu cầu vốn đầu tư bảy chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, ước tính khoảng 850.000 tỉ đồng, tương đương 38 tỉ USD, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỉ lệ khoảng 60%. Trong khi đó khả năng ngân sách TP hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. “Đó là một thách thức lớn đối với TP trong thời gian tới” - ông nói.

Trước thách thức trên, ông Phong khẳng định trong thời gian tới TP sẽ tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về cải cách hành chính nhằm thu hút nguồn lực xã hội, cũng như tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bình đẳng khi tiếp cận cơ hội đầu tư.

Tại hội nghị, nhiều ngân hàng đã ký kết thỏa thuận hợp đồng tài trợ vốn cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và 10 doanh nghiệp khác để xây dựng tám dự án tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư 26.000 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư PPP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm