TP.HCM cần 2,1 triệu tỉ đồng cho phát triển đô thị

Tại hội thảo, các cơ quan chức năng và chuyên gia đã chỉ ra những vấn nạn của TP.HCM trong thời gian qua là kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, đô thị phát triển dàn trải... Theo Sở KH&ĐT, TP.HCM hiện đang cần một nguồn vốn khoảng 2,1 triệu tỉ đồng để phát triển đô thị. Đồng thời, TP.HCM cũng đang trong quá trình chuẩn bị để điều chỉnh quy hoạch chung của TP.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, TP.HCM là đô thị đặc biệt, đóng góp ngân sách trung ương 2018 là hơn 400.000 tỉ đồng và dự kiến năm 2019 khoảng 500.000 tỉ đồng.

Ông Tuyến thừa nhận việc TP phát triển quá nhanh trong mấy thập niên qua cũng đã dẫn đến những hệ lụy mà đến nay TP đang phải trả giá, đó là ngập lụt, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường…

“Trong một loạt vấn đề thì hạn chế và yếu kém lớn nhất của TP vẫn là ở khâu quy hoạch, từ khâu lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Cả ba khâu này đều có nhiều hạn chế” - ông Tuyến nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến

Về vấn nạn kẹt xe, ông Tuyến thông tin TP hiện nay có tình trạng giao thông áp lực nhất cả nước. Theo tiêu chuẩn thì 1 km2 đất có ít nhất là 10 km đường nhưng TP hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20% (1 km2 đất chỉ có 2 km đường).

Về ngập lụt, theo Phó Chủ tịch UBND TP là do biến đổi khí hậu và cũng là TP phát triển quá nhanh. Theo tính toán, mỗi năm khu vực phía Tây Nam TP lún xuống 3 cm trong khi đó hiện nay do quá trình đô thị hóa, nhiều công trình mọc lên đã cản trở việc thoát nước. Và đây cũng chính là một vấn đề mà đến nay TP đang phải trả giá.

“Lẽ ra, khi làm quy hoạch là phải theo khách quan nhưng TP đã làm quy hoạch theo mong muốn chủ quan của TP trong các thời kỳ phát triển. Đây cũng là những hạn chế về kiến thức và nhận thức trong quá trình làm quy hoạch từ những năm 1990. Hiện nay về quy định thì cứ năm năm điều chỉnh quy hoạch một lần nhưng nếu quy hoạch tốt chẳng hạn như ở châu Âu thì cả trăm năm vẫn không thay đổi” - ông Tuyến nhìn nhận. Từ đó, ông Tuyến cho rằng trong điều chỉnh quy hoạch tổng thể thời gian tới, TP sẽ tính toán làm thế nào để ít nhất là 10 năm mới phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

TP sẽ rà soát nhiều chính sách cho nhà đầu tư cũng như quyền lợi của người dân trong quy hoạch. Mong muốn của TP trong việc điều chỉnh quy hoạch lần này cùng với những chính sách kèm theo sẽ là cơ hội cho tất cả những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, làm quy hoạch tốt thì tin chắc là người dân cũng sẽ chia sẻ và đóng góp nhiều hơn cho TP.

Mục tiêu của TP hiện nay là tiếp tục hoàn thiện, phát triển quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi giải quyết xong các vấn đề với người dân có liên quan. TP đã có đề án để phát triển Thủ Thiêm thành trung tâm hành chính quốc tế để thu hút nguồn lực tài chính quốc tế.

Cùng với đó, TP cũng đang thực hiện xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, mời gọi doanh nghiệp cùng tham gia. Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông TP gồm ba quận 2, 9, Thủ Đức sẽ tích hợp được nguồn lực là hơn 70.000 sinh viên từ các trường đại học ở Thủ Đức, khu công nghệ cao ở quận 9 và quận 2 là nơi để phát triển thương mại. Ngoài ra, TP cũng đang phát triển khu đô thị sinh thái ở Cần Giờ, đô thị cảng ở quận 2, 9, Nhà Bè, khu đô thị ven sông ở quận 8…

Khu đô thị giáo dục ở Tây Bắc cũng là một điểm nhấn của TP, không chỉ là các trường đại học mà còn là khu đô thị hoàn chỉnh để khi ra trường, lực lượng sinh viên có thể làm việc, học tập và sinh sống tại đây.

Phó chủ tịch UBND TP cho biết TP hoan nghênh và thấm thía những góp ý của các diễn giả. Tới đây, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đang hướng tới phải làm sao để quy hoạch trở thành khát vọng, không chỉ của lãnh đạo mà còn là của người dân TP và là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mong muốn của TP là quy hoạch sẽ không còn là hạn chế yếu kém nữa mà sẽ là thế mạnh, là uy tín của TP trong thời gian tới.

Trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch chung, TP luôn lắng nghe góp ý của các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. TP cam kết luôn đồng hành với DN, đặc biệt là trong việc cải cách thủ tục hành chính, làm sao để tháo gỡ những “điểm đen” để không phiền hà doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm