TP.HCM : Bệnh tay-chân-miệng đang vào mùa

Những tuần gần đây trung bình mỗi ngày BV Nhi đồng 1 điều trị 50-60 trẻ bệnh tay-chân-miệng (TCM) và đã xuất hiện những ca có biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch. Tại BV Nhi đồng 2, mỗi ngày có 30-50 ca, có hai trường hợp nặng, phải thở máy.

2/3 số xã, phường có trẻ mắc bệnh

Tại buổi họp phòng, chống bệnh lây nhiễm của Sở Y tế TP.HCM sáng 7-5, BS Lê Hồng Nga, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bệnh TCM trên địa bàn thành phố tăng liên tục trong tháng 3 và tháng 4-2014. Đã có 236/322 phường, xã tại TP.HCM có trẻ mắc TCM. Huyện Củ Chi có số trẻ mắc TCM gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. BS Nga yêu cầu các quận, huyện TP.HCM giám sát các ca TCM có biến chứng nặng để phát hiện sớm nguy cơ xảy ra dịch lớn.

Bộ Y tế cũng vừa lập tám đoàn kiểm tra phòng, chống bệnh TCM và sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, TP có số ca mắc cao, trong đó có TP.HCM.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), mỗi năm có hai đợt dịch TCM vào các tháng 3, 4, 5 và tháng 9, 10, 11, đợt thứ hai luôn đông bệnh nhân và có nhiều ca nặng hơn. Dịch TCM năm 2011 nhiều trẻ mắc bệnh và bệnh rất nặng. Theo kinh nghiệm của BS Khanh, chu kỳ ba năm sẽ bùng phát đợt dịch bệnh nguy hiểm nên năm nay có thể quay lại chu kỳ của năm 2011.

 
Một trẻ mắc bệnh TCM bị biến chứng nặng đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phòng bệnh và hỗ trợ điều trị ra sao?

Theo các bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Phó Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 và Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thì:

Bệnh TCM lây qua đường tiêu hóa nhưng hiện chưa có vaccine dự phòng, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Trẻ mắc bệnh TCM thường rơi vào độ tuổi 1-3 với biểu hiện sốt nhẹ; xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông; miệng có nhiều vết loét. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ dễ rơi vào hiện tượng sốt cao 39 độ nhưng khó hạ suốt hai ngày liền, ngủ hay giật mình, quấy khóc, run tay chân, suy hô hấp và biến chứng quá thần kinh, tim mạch.

Bác sĩ áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị như truyền dịch, điều chỉnh rối loạn huyến áp, lọc máu, cho thở máy… để giúp trẻ lướt qua cơn bệnh, dần hồi phục sức khỏe.

Nên cách ly trẻ bị TCM. Trẻ luôn được rửa sạch tay, chân bằng xà phòng. Đồ dùng hằng ngày của trẻ cần được làm sạch. Nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình phải luôn vệ sinh sạch sẽ.

Cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng.

Nên cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất đạm dễ tiêu hóa và dễ hấp thu như thịt heo, cá, tôm, gà, trứng… Ngoài ra có thể cho trẻ dùng một số loại nhuyễn thể hỗ trợ lành bệnh như sò, hào, thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất như bí đỏ, cà chua, cà rốt, rau mồng tơi, đu đủ, cam, bưởi, nho...

Trẻ bệnh TCM thường bị nhiễm trùng và tổn thương vùng miệng nên thức ăn cần chế biến mềm, nhừ hoặc cắt nhỏ. Trong trường hợp trẻ không thể ăn thì cho uống sữa phù hợp từng lứa tuổi. Bên cạnh đó cho trẻ uống nhiều nước khoáng, nước trái cây…

T.NGỌC - H.HÀ - H.PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm