TP.HCM: 10 công trình trọng điểm đều chậm tiến độ

Sáng 3-11, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM (KTNS) có buổi giám sát về tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT).

Vốn cho công tác xây lắp không thiếu!

Theo Sở GTVT, có 10 công trình trọng điểm do cơ quan này quản lý chậm tiến độ, trong đó nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, dẫn chứng: Dự án khai thông tuyến đường thủy nội địa ngã ba Đèn Đỏ - Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 được TP phê duyệt từ tháng 2-2000. Nhưng đến nay (sau hơn 10 năm), dự án mới đạt 75% khối lượng và đang tạm ngưng thi công vì vướng GPMB. Hay như dự án xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám (nối quận 1 và Bình Thạnh) được phê duyệt từ tháng 4-1998 nhưng mãi đến tháng 4-2010 (12 năm) mới hoàn tất công tác GPMB.

Từ đó, ông Phượng nhận định nguyên nhân khiến các dự án trọng điểm bị chậm tiến độ là do khâu GPMB chậm, di dời hạ tầng kỹ thuật chậm, vốn cho công tác xây lắp thiếu và không đáp ứng kịp yêu cầu.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng không đồng tình với nhận định trên. Ông dẫn chứng: Từ đầu năm đến nay, UBND TP đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng trên 23.600 tỉ đồng, vượt hơn 9.000 tỉ đồng so với kế hoạch vốn mà HĐND TP phê duyệt (14.000 tỉ đồng). “Như vậy, không thể nói vốn cho công tác xây lắp thiếu được. Theo tôi, nguyên nhân số một là do vướng ở khâu GPMB bởi áp giá bồi thường không hợp lý. Cạnh đó, TP thiếu nhất quán trong việc áp giá, có dự án lại có hai giá bồi thường khác nhau nên dân phản ứng. Đồng thời, công tác tái định cư lâu nay vẫn giậm chân tại chỗ, nơi ở mới không bằng hoặc không tốt hơn nơi cũ thì làm sao dân đi được…” - ông Hoàng khẳng định.

TP.HCM: 10 công trình trọng điểm đều chậm tiến độ ảnh 1

Do dự án nút giao Gò Dưa chậm tiến độ nên giao lộ quốc lộ 1A - tỉnh lộ 43 thường xuyên bị ách tắc giao thông. Ảnh: M.PHONG

Cần lập ban chỉ đạo GPMB cấp TP?

Để gỡ vướng cho các quận, huyện trong GPMB, Sở GTVT kiến nghị UBND TP lập ban chỉ đạo GPMB cấp TP do một phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban. Sở Tài chính cũng cho rằng Sở GTVT khó có thể chỉ đạo các quận, huyện trong công tác GPMB nên cần phải có ban chỉ đạo cấp TP mới đủ mạnh. “Cạnh đó, chỉ khi nào công tác GPMB xong 100% thì mới cho động thổ để tránh bị chậm tiến độ khiến phát sinh trượt giá, gây lãng phí” - đại diện Sở Tài chính đề xuất.

23.600 tỉ đồng (làm tròn) là kế hoạch vốn đầu tư xây dựng do UBND TP giao từ đầu năm đến nay, vượt hơn 9.000 tỉ đồng so với kế hoạch vốn được HĐND TP phê duyệt.

(Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP)

Góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng trên thực tế trước nay phó chủ tịch (thậm chí chủ tịch UBND TP) vẫn chỉ đạo về công tác GPMB. “Thực ra, dù có lập ban chỉ đạo cũng chẳng mang tính pháp lý, hơn nữa có khi lại rườm rà mà không hiệu quả. Bằng chứng là TP có rất nhiều ban chỉ đạo mà thành viên trong đó thấp nhất cũng là phó giám đốc sở. Thế mà khi họp ban chỉ đạo, kiếm ông trưởng phòng còn không ra mà chỉ toàn là chuyên viên. Chuyên viên là người giúp việc cho lãnh đạo mà đi chỉ đạo các quận, huyện thì không hợp lý” - ông Hoàng nói.

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban KTNS, cũng cho rằng không cần lập ban chỉ đạo mà chỉ cần áp dụng chính sách giá bồi thường cho hợp lý, nhất quán thì dân sẽ chịu. “Nếu chính sách giá không hợp lý thì cho dù trưởng ban chỉ đạo là chủ tịch TP thì cũng không thể làm được” - ông Hùng khẳng định.

Cuối cùng, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban KTNS, kết luận: Việc các công trình trọng điểm chậm tiến độ có nguyên nhân do vướng GPMB, không có nơi tái định cư, chính sách giá bồi thường không nhất quán… Cạnh đó, ngay từ khâu tư vấn lập dự án đã không chuẩn khiến công trình bị kéo dài, tăng vốn. Đề nghị Sở GTVT có báo cáo bổ sung trước ngày 10-11 để Ban KTNS tổng hợp, trình HĐND TP xem xét vào kỳ họp tháng 12.

Dự án nút giao thông Gò Dưa sẽ hết… dây dưa?

Dự án nút giao thông Gò Dưa trước đây do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, nay đã chuyển cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT). Tại nhiều kỳ họp HĐND TP, vấn đề này được đem ra mổ xẻ. UBND TP cũng nhiều lần chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay dự án vẫn chuyển động một cách ì ạch.

Nguyên nhân khiến dự án (khởi công từ năm 2004) bị chậm trễ là các hộ dân khiếu kiện về giá bồi thường. Đầu năm 2010, UBND TP chấp thuận hỗ trợ, bổ sung đơn giá bồi thường đất cho các hộ dân. Vừa qua, UBND quận Thủ Đức đã phê duyệt tổng dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ là 83,9 tỉ đồng. Việc chậm trễ này khiến cầu vượt Gò Dưa băng qua quốc lộ 1A đã xây xong với kinh phí 150 tỉ đồng bị bỏ hoang. Trong khi đó, ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A thường xuyên xảy ra.

Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, tính đến ngày 1-10-2010, dự án này mới có 263 hộ bàn giao mặt bằng, 20 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao và vẫn còn 59 hộ chưa chịu nhận tiền. “Nếu có đủ mặt bằng thi công trong tháng 11-2010, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011” - ông Phượng hứa.

Các công trình trọng điểm chậm tiến độ

- Dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

- Xây cầu Hoàng Hoa Thám.

- Xây trung tâm điều hành giao thông.

- Hoàn thiện nút giao thông Gò Dưa.

- Xây đường nối Bình Thái - Gò Dưa.

- Xây cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội.

- Xây cầu Phú Long.

- Khai thông tuyến đường thủy nội địa ngã ba Đèn Đỏ. - Nhà máy xi măng Hà Tiên 1 qua Giồng Ông Tố.

- Khai thông tuyến đường thủy nội địa nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai.

- Chống sạt lở kênh Thanh Đa.

TRỌNG MẠNH

Do dự án nút giao Gò Dưa chậm tiến độ nên giao lộ quốc lộ 1A - tỉnh lộ 43 thường xuyên bị ách tắc giao thông. Ảnh: M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm