TP Thủ Đức và thời khắc lịch sử!

Sáng 31-12-2020, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (giữa) trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức cho các lãnh đạo TP.HCM.
Ảnh: A.DŨNG

Cột mốc phát triển của TP.HCM

Tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Nghị quyết 1111 cho ban lãnh đạo TP.HCM.

TP Thủ Đức sau thành lập rộng hơn 211 km2 với hơn 1 triệu người trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số ba quận 2, 9 và Thủ Đức.

Ông Uông Chu Lưu cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân ba quận 2, 9 và Thủ Đức, mà còn là cột mốc phát triển của TP.HCM. Sự kiện được cả nước quan tâm vì đây là lần đầu tiên trên cả nước có mô hình “thành phố trong thành phố” trực thuộc trung ương.

Từ đó, ông đề nghị TP cần tập trung xây dựng TP Thủ Đức trở thành thành phố thông minh, sáng tạo và là động lực phát triển kinh tế của TP.HCM. Bên cạnh đó, cần sớm trình cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức, đẩy nhanh phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao và nâng cao đời sống người dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, phát biểu tại buổi lễ.
Ảnh: TÁ LÂM

Xây dựng thành TP đáng sống bậc nhất Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM, cho biết qua hơn 20 năm phát triển, ba quận 2, 9 và Thủ Đức đã tạo nên các hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ 4.0 nhưng lại nằm rời rạc ở ba quận. “Nơi đây không có quy hoạch thống nhất, chính sách thống nhất, quản lý nhà nước thống nhất, do đó không phát huy được tác dụng tổng hợp để tạo ra một trung tâm tăng trưởng mới cho kinh tế TP” - ông Nhân nói.

Trên cơ sở nhận ra các tiềm năng này ở ba quận, ông Nhân cho biết Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng một khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên địa bàn ba quận này. Cần phải sáp nhập ba quận này thành một đơn vị hành chính mới có quy hoạch, hệ thống chính sách và chính quyền quản lý thống nhất. “Đó là lý do phải thành lập TP Thủ Đức - một thành phố kinh tế tri thức, một động lực đột phá phát triển kinh tế của TP.HCM” - ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0, TP Thủ Đức đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng, như Khu công nghệ cao với diện tích khoảng 800 ha, đã thu hút đầu tư nước ngoài hơn 8 tỉ USD và 42.000 lao động, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỉ USD. Khu các trường đại học với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên. Khu đô thị mới Thủ Thiêm với điểm nhấn là trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực.

TP Thủ Đức còn có hệ thống viễn thông 5G; hệ thống giao thông thuận tiện, gồm đường bộ, tàu điện ngầm, cảng container lớn nhất Việt Nam…; công viên lịch sử - văn hóa dân tộc; sân golf Thủ Đức; BV đa khoa khu vực Thủ Đức. Hệ thống đê bao, bơm và các khu vực chứa nước tự nhiên và nhân tạo để TP Thủ Đức là TP không ngập nước ở khu vực đô thị.

“Vạn sự khởi đầu nan, thành phố mới, gian nan và thách thức mới và cơ hội mới. TP Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, các nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên TP khẳng định, trưởng thành và cống hiến, xây dựng nên một TP hiện đại, TP văn hóa, TP hội nhập, TP đáng sống vào bậc nhất Việt Nam” - ông Nhân kỳ vọng.

10 năm tới, TP Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TP.HCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ ba sau TP.HCM và Hà Nội.

Ông Nguyễn Thiện NhânỦy viên Bộ Chính trị  

Đội ngũ công chức chuyên nghiệp, vì dân

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng chúng ta đang chứng kiến một thời khắc lịch sử - công bố sự ra đời của TP Thủ Đức.

Ông cho rằng quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 tách ra từ huyện Thủ Đức từ năm 1997 và không ngừng phát triển. Hiện ở ba quận có nhiều kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội được xây dựng, diện mạo đô thị ngày càng thay đổi tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Theo ông Nên, việc thành lập TP Thủ Đức là mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm giúp khu vực phía đông TP sớm trở thành hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp vươn lên tầm quốc tế.

TP Thủ Đức còn là không gian đô thị - hành chính thống nhất kết nối các thành phần tất yếu của một đô thị sáng tạo, có tính tương tác cao, có nguồn lực, động lực tài chính trong nước và quốc tế, đủ sức đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, sáng tạo và khởi nghiệp.

Chính vì thế, ông cho biết TP đã thành lập hai ban chỉ đạo, gồm ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1111 và ban chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc khắc phục các tồn tại trên địa bàn ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Hai ban chỉ đạo sẽ tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy các công việc trước mắt cũng như lâu dài theo các mốc thời gian định sẵn. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là lựa chọn một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên nghiệp theo tiêu chí chất lượng bảo đảm các yêu cầu vị trí việc làm của TP Thủ Đức.

Ông đề nghị đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của TP Thủ Đức phải nêu cao vai trò trách nhiệm, duy trì các hoạt động thường xuyên; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khai trương mạng di động 5G tại TP Thủ Đức

Tại buổi lễ, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và TP.HCM thực hiện nghi thức khai trương mạng di động 5G tại TP Thủ Đức.

Trước đó, mạng di động 5G đã được phát sóng thử nghiệm thương mại trên địa bàn trung tâm TP.HCM. Tại buổi lễ ngày 31-12-2020, cả ba doanh nghiệp viễn thông di động lớn là Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone cùng triển khai các trạm phát sóng di động 5G đầu tiên trên địa bàn TP Thủ Đức, sẵn sàng cung cấp các trải nghiệm dịch vụ tốc độ cao cho người dân. 

Ngày 7-2-2021, chính thức thành lập bộ máy TP Thủ Đức

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức sẽ được làm quyết liệt trong tháng 1-2021 để tạo sự chuyển động mạnh mẽ. Đến ngày 7-2-2021, bộ máy của TP Thủ Đức chính thức được thành lập.

TP Thủ Đức và thời khắc lịch sử! ảnh 3
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại lễ công bố. 
Ảnh: PHƯƠNG THÙY 

Về lộ trình thực hiện, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sẽ tập trung ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ ngày 1-1 đến 7-2-2021) sẽ hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của các tổ chức Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thuộc ngành dọc của trung ương đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp.

Đến ngày 7-2-2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời ban hành các quyết định thành lập ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử.

Giai đoạn 2 (từ ngày 7-2 đến 23-5-2021), tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức. “Sẽ không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính” - ông Phong khẳng định.

Giai đoạn 3 (sau ngày 23-5-2021), các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để hoạt động của chính quyền TP Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

Về kế hoạch đầu tư, ông Phong cho biết đối với phát triển hạ tầng đô thị sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển theo định hướng phát huy vai trò của các cực tăng trưởng trọng yếu của TP Thủ Đức; lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm.

Đối với phát triển hạ tầng giao thông, sẽ nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Bên cạnh đó, TP sẽ nỗ lực làm cho môi trường sống của TP Thủ Đức tốt hơn thông qua xây dựng và triển khai một số chương trình, đề án trọng tâm, như đề án xây dựng TP Thủ Đức thông minh, đề án phát triển công trình công cộng và kinh tế dịch vụ ven sông…

Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức để trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm