TP Thủ Đức: Dự kiến 30-9 công bố kiểm soát được dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-9, Ông Lê Hoà Bình- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Hoàng Tùng- Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cùng các lãnh đạo ban ngành khác đã dự lễ tái khởi động các công trình xây dựng trên địa bàn TP Thủ Đức.

Tại dự án Công trình xây dựng nhà ở thuộc phường Phú Hữu (do Công ty Cổ phần Bất động sản Thuỷ Sinh làm chủ đầu tư) ông Hoàng Tùng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải cam kết đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn lao động. Đặc biệt, thực hiện theo chỉ đạo của TP.HCM "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".

Ông Lê Hoà Bình- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thực hiện nghi lễ tái khởi công công trình xây dựng vào sáng 23-9. Ảnh: TS

Theo ông Tùng, thời gian qua TP Thủ Đức đã nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Từ 23-9 đến 30-9, TP Thủ Đức sẽ đăng ký với TP.HCM về thông tin cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.

Ngoài ra, TP Thủ Đức là TP mới, có tiềm lực về phát triển kinh tế nên những vấn đề tái xây dựng các công trình trên địa bàn cũng cần đặc biệt quan tâm.

“Đây là điều hết sức phấn khởi vì khởi động lại nền kinh tế sẽ đóng góp rất nhiều cho công ăn việc làm, an sinh xã hội… trong việc phát triển kinh tế của TP Thủ Đức”, ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cũng thông tin: Việc tái khởi động một số công trình trước mắt tạo đà triển khai những hoạt động khác sau ngày 1-10. Các công trình thi công trở lại ngoài giúp đẩy nhanh tiến độ đã góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Dự kiến từ nay đến ngày 30-9, TP Thủ Đức sẽ công bố kiểm soát được dịch.

Sáng cùng ngày, ba công trình khác gồm Khu phức hợp Sóng Việt trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm), khu đô thị Sài Gòn Bình An (phường An Phú), Công trình Trường Mần non (Phước Long B) cũng được tái khởi động.

Ông Lê Hoà Bình - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức tham dự, chỉ đạo nhiều nội dung tại buổi lễ tái khởi công công trình xây dựng. Ảnh: TS

Theo tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng tại TP.HCM, chỉ những nơi "bình thường mới", "vùng xanh" được triển khai xây dựng khi đáp ứng các điều kiện toàn bộ lao động có thẻ xanh COVID, tuân thủ 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.

Riêng công trình khu vực "nguy cơ rất cao", "nguy cơ cao" và "nguy cơ" tiếp tục dừng thi công, ngoại trừ phục vụ phòng chống dịch và theo các yêu cầu khẩn cấp.

Trước đó, UBND TP Thủ Đức đã có công văn khẩn gửi đến UBND 34 phường trên địa bàn TP về việc các hoạt động được bắt đầu thí điểm từ 16-9 tại vùng xanh của TP Thủ Đức gồm: Công trường xây dựng; Dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y.

Các dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này và sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm cũng được thí điểm hoạt động trở lại.

UBND TP Thủ Đức cũng nêu rõ, điều kiện để các ngành nghề trên hoạt động gồm:

- Địa điểm kinh doanh phải thuộc “Tổ dân phố xanh”

- Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải đang sinh sống tại “Tổ dân phố xanh” trên địa bàn TP Thủ Đức, được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine hoặc người đã nhiễm COVID-19 khỏi bệnh.

- Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải thực hiện xét nghiệm âm tính với tần suất 5 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp ba người; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả và nộp kèm bản cam kết thực hiện nghiêm đối với việc xét nghiệm. Trường hợp không thực hiện theo nội dung cam kết thì chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. 

- Đối với nhân viên giao nhận của cơ sở kinh doanh (trừ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống): Chỉ được phép hoạt động trên địa bàn TP Thủ Đức; phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp ba người, tần suất 2 ngày/lần; kinh phí xét nghiệm do cơ sở kinh doanh tự chi trả. 

- Người lao động ký bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh; chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với chính quyền địa phương. 

- Khu vực kinh doanh được vệ sinh, khử khuẩn ít nhất 2 lần/tuần; có trang bị dung dịch khử khuẩn; có bố trí thùng rác có nắp đậy; có bảng tuyên truyền về thực hiện “5K” và phòng, chống dịch; có bố trí vách ngăn giữa người giao hàng và người nhận hàng; được phân luồng, đảm bảo “5K” đối với người đến mua hàng. 

- Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có năm lao động trở lên) phải thành lập tổ an toàn phòng, chống dịch. 

- Chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có số điện thoại liên hệ với cơ sở y tế địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm