TP Hạ Long thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất nước

Ngày 3-10, Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh này đã thống nhất chủ trương sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long để mở rộng đô thị trung tâm của tỉnh.

Hội nghị Ban chấp hành Tỉnh ủy Quảng Ninh đã biểu quyết sáp nhập huyện Hoành Bồ để mở rộng TP Hạ Long.

Cụ thể, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh diễn ra ngày 2-10, các đại biểu đã biểu quyết ban hành nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển cho TP Hạ Long bằng cách sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP này.

Trước đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã có tờ trình về đề án sắp xếp, sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP Hạ Long. Theo đề án này của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh thì toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 843 km2 và hơn 51.000 người dân của huyện Hoành Bồ sẽ sáp nhập vào TP Hạ Long.

Sau khi sáp nhập, TP Hạ Long có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.120 km2, hơn 300.000 dân với 33 đơn vị hành chính cấp xã. Thị trấn Trới của huyện Hoành Bồ sẽ nâng cấp lên thành phường. Hệ thống chính trị sẽ sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của hai địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã. 

TP Hạ Long sẽ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh với diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, thành hạt nhân đưa Quảng Ninh thành TP trực thuộc trung ương.

TP Hạ Long sẽ mở rộng không gian phá triển khai thác tốt lợi thế đất đai, tài nguyên, thuận lợi cho quy hoạch lại đô thị tăng cường khả năng liên kết vùng cho tương lai.

Việc sáp nhập này cũng sẽ là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của TP Hạ Long để bảo vệ cảnh quan vùng di sản; có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường theo đúng quan điểm quản lý hệ thống từ rừng núi, sông, vịnh. Đây cũng là cơ sở để xử lý, đưa ra khỏi quy hoạch, chấm dứt hoạt động của các nhà máy điện, xi măng, vôi gây ô nhiễm môi trường, đưa khu vực Hoành Bồ hiện tại phát triển theo hướng bền vững.

Theo tỉnh Quảng Ninh, việc sáp nhập sẽ tạo nên sự kết nối, đa dạng hóa dịch vụ nhất là du lịch sinh thái, văn hóa, khám phá rừng biển, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ khai thác được thế mạnh về văn hóa bản địa phong phú của các dân tộc vùng cao Hoành Bồ. Đây cũng là giải pháp đẩy mạnh liên thông đô thị - nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức vươn lên của bộ phận lớn đồng bào dân tộc còn thụ động, lạc hậu. Theo đề án, việc sắp xếp, sáp nhập này sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Ngày 1-10, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã họp bàn về đề án sắp xếp, sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đánh giá việc sáp nhập này là một chủ trương lớn, TP Hạ Long sẽ là hạt nhân để đưa Quảng Ninh trở thành TP trực thuộc trung ương.

Ông Ký cho rằng TP Hạ Long sau sáp nhập sẽ có không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành TP có các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu, phát huy được lợi thế của huyện Hoành Bồ chưa được khơi dậy. Theo ông Ký, TP Hạ Long sẽ trở thành cựu tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá mới cho tỉnh, bộ máy chính quyền sẽ phục vụ người dân tốt hơn, thu hút các nhà đầu tư với các dự án lớn.

Ông Ký cho rằng quá trình sáp nhập này sẽ tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận cần phải được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ và nhân dân. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy phải tính toán, rà soát cụ thể từng cá nhân, để có phương án hợp lý, không làm xáo trộn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm