Tốt nghiệp quản trị kinh doanh làm... công tác tiếp dân

Lãnh đạo sở, ngành phát biểu tham luận tại hội nghị chiều 13-10.

Chiều 13-10, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết ba năm thực hiện Luật Tiếp công dân.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Phong, Phó Ban tiếp công dân, cho biết còn một số vướng mắc như vẫn còn thủ trưởng, cơ quan ban ngành và quận, huyện, đặc biệt là cấp xã chưa làm tốt công tác tiếp công dân. Cụ thể là chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Một số đơn vị chưa duy trì thường xuyên việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, có tâm lý ngán ngại việc tiếp công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người. Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra.

Theo ông Phong, việc bố trí cán bộ tiếp công dân chưa thật đảm bảo theo yêu cầu về năng lực, trình độ và kỹ năng trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Có chuyện nhầm lẫn giữa khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh dẫn đến hiện tượng giải quyết vụ việc kéo dài, vi phạm quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Có nơi bố trí cán bộ tiếp công dân không phù hợp với trình độ chuyên môn như tốt nghiệp ngành kinh tế, quản trị kinh doanh làm công tác tiếp công dân.

Báo cáo của UBND TP Cần Thơ cho thấy trong ba năm (1-7-2014 đến 1-7-2017), toàn TP tiếp nhận gần 10.000 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý gần 9.500 đơn. Theo báo cáo thì vẫn còn tình trạng người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh nhưng thực hiện quyền chưa đi đôi với nghĩa vụ. Đối với khiếu nại, mặc dù không có cơ sở nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại. Đối với tố cáo, mặc dù tỉ lệ tố cáo sai chiếm khá cao nhưng các cơ quan vẫn phải giải quyết làm tốn kém chi phí, công sức và thời gian để giải quyết.

UBND TP cho rằng có nhiều trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xúc phạm cán bộ lãnh đạo, cán bộ tiếp công dân, gây mất an ninh trật tự nhưng chưa có quy định, biện pháp xử lý triệt để. Hầu như cán bộ tiếp công dân mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, nhắc nhở. Do đó, để làm cơ sở xử lý trong lĩnh vực này, UBND TP đề nghị Chính phủ ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Ngoài ra, TP Cần Thơ cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm chính thức triển khai thực hiện “phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”, quản lý hồ sơ đồng bộ từ trung ương đến cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý chỉ đạo giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là những vụ việc phức tạp kéo dài, thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc nhanh chóng, giúp cơ chế tổng hợp hiệu quả, chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm