Tổng Liên đoàn lao động lên tiếng về thu, chi phí công đoàn

Tại cuộc họp báo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) vào chiều ngày 22-9, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng ban tài chính Tổng LĐLĐ đã trả lời câu hỏi của phóng viên PLO về những bất cập trong việc thu, chi phí công đoàn vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng ban tài chính Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: VIẾT LONG

Về số dư tích lũy tài chính công đoàn lên đến 29 nghìn tỉ đồng được gửi trong ngân hàng, bà Lan cho rằng đây là số dư của toàn bộ hệ thống công đoàn.

Trong đó, số dư tại công đoàn cơ sở là gần 7,6 nghìn tỉ đồng, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là  6,6 nghìn tỉ đồng. Số còn lại phân bổ ở liên đoàn lao động địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Bà cũng cho là nguồn tích luỹ của tổ chức công đoàn được Nhà nước cho phép cân đối thu - chi, khi kết thúc năm ngân sách, nguồn thu kinh phí công đoàn chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Cạnh đó, công đoàn cấp trên cơ sở thực hiện trích lập kinh phí dự phòng trước đây là 5% trên tổng chi: “Nếu số dư này chia đều cho các đơn vị thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam (122.178 đơn vị), thì số dư bình quân một đơn vị khoảng 232 triệu đồng…” - bà Lan giải thích.

Cũng theo bà Lan, Bộ Tài chính đã có Công văn chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, khoản tiền lãi này được bổ sung vào nguồn tài chính công đoàn để tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động.

“Còn về việc đầu tư, hiện nay, tổ chức công đoàn cũng chỉ mua một phần ưu đãi và không có các hoạt động đầu tư nào khác” - bà nói.

Về việc chi quỹ công đoàn, bà cho biết từ năm 2013 đến năm 2019, tổng số chi tại các cấp công đoàn là gần 77 nghìn tỉ đồng. Tại cấp cấp công đoàn cơ sở nguồn kinh phí chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, còn lại là chi lương, phụ cấp và quản lý hành chính.

Mức chi bình quân trong năm 2019 cho một đoàn viên là 1.200.000 đồng/năm, người lao động trên 1 triệu đồng/ năm. Trong đó, mức chi cho đoàn viên cao hơn người lao động là do một số mục chi tại công đoàn cơ sở người lao động không được hưởng mà chỉ dành cho đoàn viên như chi quà sinh nhật, việc hiếu, hỉ...theo quy định.

“Do vậy có thể thấy rằng nguồn tài chính công đoàn phần lớn được sử dụng tại cấp công đoàn cơ sở để chăm lo trực tiếp cho đoàn viên và người lao động…”- bà Lan nói.

Về nội dung Kiểm toán Nhà nước chỉ ra bất cập trong việc huy động số tiền 11.300 tỉ đồng cho Tết sum vầy, Phó Trưởng ban tài chính Tổng LĐLĐ khẳng định để nhằm mục đích chi thêm cho người lao động vào dịp Tết.

“Sau khi có kết luận Kiểm toán Nhà nước, Tổng LĐLĐ đã lập đoàn thanh tra và có kết luận rất là rõ ràng, cụ thể về nội dung này”- bà Lan cho hay.

             Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai phạm, bất cập

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN). Trong đó chỉ ra một số bất cập trong quản lý tài chính của đơn vị này.

Cụ thể, số dư tích lũy tổ chức công đoàn đến ngày 31-12-2019 là gần 29.000 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp Liên đoàn lao động địa phương và tương đương (chiếm 36% của toàn ngành).

Việc sử dụng quỹ tích lũy chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả. Các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy nhưng không lập dự toán, không được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán.

Cạnh đó, báo cáo kiểm toán cho thấy tài khoản thu tổ chức công đoàn tại cấp tổng dự toán Tổng LĐLĐ có phát sinh khoản thu 11,3 tỉ đồng, tiếp nhận của các cá nhân hỗ trợ.

Toàn bộ việc tiếp nhận ủng hộ do Ban Tài chính thực hiện, không có phiếu thu mà chỉ có bảng kê danh sách đóng góp hỗ trợ bằng tiền mặt của năm đơn vị do Phó trưởng ban Tài chính lập.

Đề nghị giữ nguồn thu kinh phí công đoàn 2%
Đề nghị giữ nguồn thu kinh phí công đoàn 2%
(PL)- Việc giữ lại nguồn thu kinh phí công đoàn 2% nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm