Tổng lãnh sự Nhật Bản dâng hương tưởng niệm nạn nhân vụ sập nhịp cầu Cần Thơ

Tổng lãnh sự Nakajima Satoshi cho biết đây là lần thứ hai ông có mặt tại xã Mỹ Hòa. Lần đầu là sau một tuần xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu, ông đã cùng đoàn Bộ ngoại giao Nhật Bản để thăm hỏi chia sẻ cùng gia đình các nạn nhân đã tử nạn.

“Trở lại cầu Cần Thơ lần này, lời đầu tiên, thêm một lần nữa tôi xin chia buồn cùng các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn năm xưa. Với số nạn nhân trong vụ tai nạn quá lớn, chúng tôi rất buồn và toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân, kỹ sư đã quyết tâm xây dựng hoàn thành cầu Cần Thơ để sự hy sinh của các nạn nhân được đền đáp xứng đáng. 

Cho đến nay, chúng tôi rất vui mừng khi cây cầu đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng ĐBSCL. Đó là công lao to lớn của những công nhân đã ngã xuống, là thành quả to lớn của sự hợp tác giữa hai nước. Trong lần đi công tác qua cây cầu này, tôi luôn nhớ đến vụ tai nạn khiến 55 nạn nhân đã tử nạn. Chúng tôi quyết tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai phía Việt Nam – Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn khu vực.”, Tổng lãnh sự Nakajima Satoshi bày tỏ.

Ông Satoshi thăm và dâng hương tưởng niệm các nạn nhân vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ 

Sáng 26-9-2007, hai nhịp dẫn nặng hàng nghìn tấn của cầu Cần Thơ, bất ngờ đổ sập, 55 người đã thiệt mạng, 80 người  bị thương. Hàng loạt giả thiết về nguyên nhân sự cố đã được đưa ra như khâu thi công, thiết kế, năng lực các nhà thầu phụ... Đến tháng 10-2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia điều tra nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục sự cố.

Cũng trong chuyến thăm và làm việc tại Vĩnh Long, Cần Thơ và Sóc Trăng, ông Nakajima Satoshi đã đến chào xã giao và trao đổi ý kiến với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.

 Tổng lãnh sự Nakajima Satoshi chào xã giao và trao đổi ý kiến với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ 

Ông nói: “Vùng ĐBSCL hiện cần đầu tư nhiều nữa vào cơ sở hạ tầng và phát triển năng xuất nông nghiệp. Tôi nghĩ phía Nhật Bản có thể giúp Việt Nam phát triển về những hạng mục này ở khu vực ĐBSCL nhằm khai thác triệt để hơn từ những lợi thế đang có.  Chúng tôi cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp nên khảo sát và đầu tư vào toàn khu vực ĐBSCL trong thời gian tới…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm