Tổng kiểm tra rà soát việc xả thải nước ra Hồ Tây

Mục đích của tổ công tác là kiểm tra, rà soát hệ thống xả thải của các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí quanh Hồ Tây… từ đó tiến hành đấu nối với hệ thống thu gom nước vừa được hoàn thiện để xử lý, tránh việc xả thải trực tiếp xuống hồ.

Đại diện UBND quận Tây Hồ cho hay mặc dù quận nắm được số liệu về nhà hàng, khách sạn ven hồ nhưng đến thời điểm này chưa xác minh được chính xác nước thải của cơ sở nào đã qua xử lý và đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải chung, đơn vị nào chưa đấu nối mà xả trực tiếp xuống hồ.

cá chết hồ tây

Vụ cá chết tại Hồ Tây dịp đầu tháng 10-2016 là hồi chuông báo động về tình trạng ô nhiễm tại Hồ Tây.

Trước đó, phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, ông Nguyễn Lê Hoàng xác nhận hiện có khoảng 30 đường cống thoát nước xả thải trực tiếp ra Hồ Tây. Trong số này, có bảy cống lớn, hơn 20 cống nhỏ như cống sau Công viên nước Hồ Tây, cống sau nhà hàng Sen Tây Hồ, cống Xuân La (Câu lạc bộ Du thuyền), cống Đõ (mương Thụy Khuê), cống sau Trường THPT Chu Văn An, cống Tàu Bay (số 2 Thụy Khuê) và cống đầu dốc khách sạn Sheraton…

Theo tìm hiểu của PV, Hà Nội đã đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải Hồ Tây gồm nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây có công suất 15.000 m3/ngày, được xây dựng từ năm 2010 đến 2012. Tiếp đó là hệ thống thu gom nước thải do Công ty Phú Điền đầu tư, hoàn thành vào tháng 8-2016.

nhà máy xử lý nước thải hồ tây

Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây đã hoàn thiện nhưng đơn vị vận hành phải "đi xin" nước thải về xử lý vì việc thu gom nước thải quanh hồ chưa được đồng bộ, có nhiều bất cập.

Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCMsáng 12-10, đại diện UBND quận Tây Hồ cho hay hệ thống thu gom nước thải xung quanh Hồ Tây vẫn gom nước thải, sau khi xử lý thì nước vẫn được xả vào Hồ Tây. Còn hệ thống thu gom nước thải do Công ty Phú Điền đầu tư thì vừa được hoàn thiện.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 31-5-2016, Công ty Phú Điền đã có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ đề nghị trợ giúp họ cung cấp thông tin xả thải từ các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… thuộc địa bàn tám phường quanh lưu vực Hồ Tây nhằm mục đích đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây (do Công ty Phú Điền làm chủ đầu tư). Tới ngày 16-6, UBND quận Tây Hồ đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND của tám phường quanh lưu vực Hồ Tây rà soát, đôn đốc việc đấu nối nước thải của nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… trên địa bàn vào hệ thống trên.

Một đường cống xả thải trực tiếp ra Hồ Tây (đoạn gần nhà hàng Sen Tây Hồ).

Tuy nhiên, đến thời điểm này phía Công ty Phú Điền khẳng định chưa có đơn vị nào trên địa bàn quận có biên bản thỏa thuận đấu nối vào hệ thống nước thải của họ để xử lý. Khẳng định này được nêu rõ trong biên bản làm việc giữa Công an quận Tây Hồ, Công ty Phú Điền và đại diện của Công viên nước Hồ Tây (đơn vị có hệ thống nước thải ra Hồ Tây) vào ngày 3-10 (sau ba ngày xảy ra hiện tượng cá Hồ Tây chết hàng loạt). Trước đó, ngày 30-9, Công ty Phú Điền cũng đã phải làm văn bản đề nghị phía nhà hàng Sen Tây hồ đấu nối hệ thống nước thải của nhà hàng vào hệ thống thu gom nước thải của nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để xử lý.

Như vậy, tính đến thời điểm này, tại Hồ Tây có hai hệ thống thu gom nước thải, hai hệ thống này hiện do hai đơn vị khác nhau quản lý và chưa hề được đồng bộ với nhau.

Hồ Tây bị ô nhiễm kim loại nặng

 

Năm 2012, UBND quận Tây Hồ đã thực hiện đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng Hồ Tây. Kết quả điều tra tại thời điểm đó cho thấy mỗi ngày Hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt. Chất lượng môi trường nước thay đổi rõ rệt, độ đục của nước Hồ Tây khá cao, có chỗ chuyển màu đen và gây mùi hôi khó chịu về mùa hè. Đặc biệt, phát hiện chất lượng nguồn nước thải tại cống trước khi đổ vào hồ đều ở mức ô nhiễm nặng. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh các cống thải bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng như Pb, Cu, Hg (chì, đồng, thủy ngân) vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm