Tổng cục THADS: Minh bạch sẽ ngừa được tham nhũng

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp hôm 6-4, báo chí đã đặt một số câu hỏi về việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), cho hay: Nếu cơ quan tố tụng kê biên sẽ thuận lợi cho việc THA…

. Phóng viên: Tòa Hà Nội tuyên hai bản án sơ thẩm buộc ông Đinh La Thăng phải bồi thường hàng trăm tỉ đồng nhưng cơ quan tố tụng không kê biên tài sản của ông Đinh La Thăng. Từ thực tiễn của việc THA vụ Vinashin, Vinalines, cơ quan tố tụng không thu hồi được tài sản nên nhiều người lo ngại “bóng ma” những vụ án này lặp lại trong vụ ông Đinh La Thăng?

+ Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn: Cơ quan THADS có trách nhiệm, thẩm quyền tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng với vụ án này, hiện mới là sơ thẩm, án chưa có hiệu lực pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng THADS, nói về việc thu hồi tài sản trong án tham nhũng tại cuộc họp báo ngày 6-4. Ảnh: Đ.MINH

Đặt vấn đề trên vào lúc này chỉ có tính chất bàn về mặt nguyên tắc mà thôi. Chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật, tòa án chuyển cho cơ quan THADS thì chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để thi hành. Bây giờ khẳng định số tiền phải THA là bao nhiêu, cụ thể thế nào phải đợi bản án phúc thẩm.

. Quy định pháp luật hiện hành không bắt buộc kê biên tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan THADS. Thực tế là tỉ lệ thu hồi tài sản trong loại án này cũng rất thấp. Tổng cục THADS có kiến nghị gì để khắc phục tình trạng này?

+ Đối với những loại việc như thế này, nếu như không áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên, phong tỏa tài khoản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thì rất khó khăn trong việc thu hồi tài sản, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng phải thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước.

Trở lại tố tụng, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bây giờ hỏi tại sao không áp dụng, chúng tôi rất khó trả lời ý này.

Khi các cơ quan tiến hành tố tụng theo chức năng của mình đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan THA rất thuận lợi trong quá trình tổ chức THA, thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước.

Về kiến nghị, căn cơ là vẫn phải quản lý về tài sản, nhất là đối với bất động sản và tài khoản lớn phải có luật điều chỉnh về sự minh bạch. Chúng tôi biết nhiều quốc gia trên thế giới, có bao nhiêu tiền trong tài khoản, bao nhiêu bất động sản... thì cơ quan có thẩm quyền đều biết được.

Chúng tôi cũng mong muốn có được hệ thống thể chế như thế. Chúng tôi kiên trì đề nghị pháp luật của chúng ta phải tiếp cận theo hướng như vậy. Tôi biết hiện nay chúng ta đã từng bước quản lý kinh tế-xã hội theo hướng này.

Thứ hai, đối với những vụ việc cụ thể thế này, rất cần sự phối hợp. Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tố tụng mà áp dụng được các biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ thuận lợi cho cơ quan THA. Tuy nhiên, áp dụng đến đâu, áp dụng như thế nào thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trước đó.

Thứ ba, quá trình chỉ đạo điều hành có phần trách nhiệm, chủ động của cơ quan THA trong suốt quá trình chỉ đạo, điều hành phải tích cực, rốt ráo làm hết trách nhiệm sẽ nâng cao, phát huy được hiệu lực, hiệu quả của cơ quan THA trong quá trình đưa bản án có hiệu lực pháp luật trở thành thực tế, trong đó có phần rất quan trọng mà dư luận và xã hội quan tâm là thu hồi, nộp cho ngân sách nhà nước.

Kê biên trong những đại án tham nhũng

Vụ án Dương Chí Dũng - Vinalines: Năm 2014, án phúc thẩm phạt tử hình cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng về tội tham ô. Tòa cũng buộc bị cáo nộp 10 tỉ đồng tiền tham ô, bồi thường 100 tỉ đồng (trong số 325 tỉ đồng hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong vụ án) cho Vinalines.

Trong vụ án này, ông Dũng bị kê biên một căn nhà, hai căn hộ chung cư cao cấp và tạm giữ gần 4.000 USD để đảm bảo THA. Đến năm 2017, tổng số tiền thi hành được trên 21 tỉ đồng, số còn lại cơ quan THA ra quyết định không có điều kiện thi hành.

Vụ án Phạm Thanh Bình - Vinashin: Năm 2012, tòa phạt cựu chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình 20 năm tù, bồi thường cho Vinashin gần 500 tỉ đồng cộng lãi chậm THA.

Đến nay tài sản đảm bảo THA của ông Bình chỉ 5 tỉ đồng.

Vụ án Giang Kim Đạt: Năm 2017, nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines Giang Kim Đạt bị phạt án tử hình, phải nộp 255 tỉ đồng. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên 40 bất động sản và hai ô tô đứng tên người thân của Đạt và đây là một trong số ít các vụ án mà giá trị tài sản kê biên lớn đủ (thậm chí dư) để đảm bảo THA.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như - VietinBank Chi nhánh TP.HCM: Vụ án này tòa phạt Huyền Như mức án tù chung thân và buộc 22 đồng phạm phải bồi thường tổng cộng trên 14.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 11.000 tỉ đồng phải thu hồi cho ngân sách nhà nước.

Trước đó, cơ quan tố tụng kê biên 22 tài sản nhà, đất của Huyền Như và đến nay hơn 9.000 tỉ đồng trong vụ án này bị đưa vào diện không có khả năng thi hành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm