‘Tôi quá thương phường, xã vì làm việc quá áp lực’

Chiều 1-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP chủ trì hội thảo.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM: "Hoạt động quá áp lực, tôi quá thương phường, xã". Ảnh: TÁ LÂM

Tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã đưa ra nhiều kiến nghị xung quanh hoạt động của Quốc hội, cùng nhiều vấn đề lớn hiện nay Trung ương và địa phương đang thực hiện.

Thứ nhất, liên quan đến việc tổ chức tách nhập, như việc tách nhập quận huyện, hay hợp nhất ba văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND. “Cần phải căn nhắc kỹ lưỡng. Không thể cứ mới tách ra giờ lại nhập vào, dường như đây là bệnh chung của cả hệ thống chính trị. Giờ đây, Quốc hội cũng bị lây bệnh này khiến cho khó khăn thêm về con người, cơ sở vật chất…” - bà Thảo nói và cho rằng không nên cứ tách ra rồi lại nhập vào. Quốc hội là cơ quan làm luật nên phải gương mẫu trong việc này.

Thứ hai, liên quan đến chủ trương tinh gọn bộ máy, bà Phạm Phương Thảo đề nghị Quốc hội và các cơ quan trung ương nên gương mẫu để cấp dưới làm theo.

Theo bà Thảo, hiện nay Văn phòng Quốc hội quá lớn, nếu như trước đây chỉ có khoảng 100 người thì nay lên đến gần 2.000 người. “Có 500 đại biểu mà đến gần 2.000 người phục vụ” - bà Thảo nói và cho rằng Quốc hội cần phải gương mẫu tinh giản biên chế chứ không bộ máy sẽ kềnh ra kéo theo nhiều kinh phí, xe cộ đi lại…

“Chúng ta kêu phường, xã tinh gọn bộ máy nhưng chính Quốc hội phải gương mẫu tinh gọn bộ máy. Còn phường, xã khó mà tinh gọn được. Vì hiện nay phường, xã hoạt động quá áp lực, tôi quá thương phường, xã. Công việc quá nặng nề, cán bộ công chức vùi đầu vào công việc để giải quyết cho người dân nhưng chế độ chính sách cho họ lại quá “hẻo” - bà Thảo nói và cho rằng không nên để xảy ra tình trạng trên cứ phình ra mà không thấy tinh gọn lại.

Ở một khía cạnh khác, bà Thảo cho rằng UBND các cấp làm “quá trời quá đất” công việc nhưng lúc nào cũng bị giám sát, nào là giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận và đoàn thể. “Họ tiếp đoàn giám sát quá nhiều, giờ phải phối hợp thế nào để người ta còn làm việc” - bà Thảo nói.

Ngoài những kiến nghị trên, bà Phạm Phương Thảo cũng giành thời gian để góp ý cho dự án luật. Theo bà Thảo, dự án luật đưa nội dung “định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội” bổ sung vào khoản 1 Điều 54 khiến cho bà băn khoăn.

“Cả nước có 63 Đoàn đại biểu Quốc hội với khoảng 500 đại biểu, vậy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đánh giá được từng người và từng Đoàn đại biểu Quốc hội không? Làm thế nào để đánh giá chính xác từng đại biểu hoạt động hiệu quả ra sao và từng đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động như nào?” - bà Thảo đặt câu hỏi và cho rằng mỗi năm đánh giá hiệu quả hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội, quả thật quá khó để đánh giá và đánh giá cho chính xác chất lượng hoạt động không dễ dàng một chút nào.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện ôm quá nhiều việc, nếu ôm cả việc đánh giá này nữa thì khá khó khăn. Nếu ôm việc này nữa thì quy trình đánh giá sẽ như thế nào để không phát sinh phức tạp” - bà Thảo băn khoăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm