Toàn cảnh bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban bí thư khóa XIII

Hôm qua, 31-1, tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII đã bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Kết quả đã được công bố rộng rãi.
Quan sát từ Đại hội (ĐH) XII, hoạt động của BCH Trung ương khóa XII ở Hội nghị lần thứ nhất; công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII mà BCH Trung ương khóa XII dày công chuẩn bị, kết hợp các thông tin được công khai lần này, cùng các nguồn tin am hiểu Quy chế bầu cử ĐH XIII thì có thể hình dung trình tự, thủ tục, cách thức mà BCH Trung ương khóa XIII vận hành ở Hội nghị lần thứ nhất.
Tổng Bí thư là triệu tập viên
Những hình ảnh đầu tiên được đăng tải trên trang web chính thức của ĐH XIII (daihoi13.dangcongsan.vn) cho thấy Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII được tổ chức tại Hội trường Trung ương Đảng, số 1 Hùng Vương, TP Hà Nội. 
200 ủy viên Trung ương cả chính thức, dự khuyết họp toàn thể với bàn chủ trì hội nghị ở phía trên. Lúc đầu, trên khu vực bàn chủ trì hội nghị chỉ có Tổng bí thư khóa XII Nguyễn Phú Trọng - người vừa bước sang nhiệm kỳ BCH Trung ương thứ bảy liên tiếp, kể từ sau ĐH VII năm 1991.
Ở thời điểm tấm ảnh được chụp, ông Nguyễn Phú Trọng là triệu tập viên khai mạc và chủ trì Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII, vừa được ĐH XIII bầu ra và công bố tối 30-1. Dưới sự chủ trì của ông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, khóa XIII bầu Đoàn chủ tịch gồm năm người. 
Hình ảnh tiếp theo cho thấy kết quả ấy. Đoàn chủ tịch Hội nghị thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi giữa; bên trái là ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bên phải là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. 
Tất cả đều là ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc là tái cử theo trường hợp “đặc biệt”.
Từ quy hoạch, giới thiệu
Như chúng tôi đã từng phân tích, công tác nhân sự ĐH Đảng toàn quốc bao gồm công tác quy hoạch, công tác giới thiệu và ra ĐH là công tác bầu cử. 
Với nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, từ Hội nghị cán bộ chủ chốt ngày 23-4-2020, các ủy viên Trung ương đã được phát phiếu để giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban bí thư, theo Kế hoạch 11-KH/TW của Bộ Chính trị ngày 6-11-2018 về xây dựng quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến Hội nghị Trung ương 12, tháng 5-2020, Trung ương đã bỏ phiếu về dự kiến danh sách nhân sự đưa vào quy hoạch Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, để sau đó Bộ Chính trị phê duyệt danh sách quy hoạch.
Ở công tác giới thiệu, Bộ Chính trị, BCH Trung ương khóa XII đã tuân thủ quy trình hai bước với nhân sự là Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XII đủ tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi tái cử; quy trình bốn bước với nhân sự lần đầu, trên cơ sở danh sách quy hoạch Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII được phê duyệt để giới thiệu. 
Việc này được triển khai một phần ở Hội nghị Trung ương 14, khóa XII. Rồi được bổ sung tiếp ở Hội nghị Trung ương 15, trong đó có ba trường hợp “đặc biệt” là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (quá 65 - tuổi tái cử Bộ Chính trị, Ban bí thư) và ông Phan Văn Giang (quá 60 - tuổi lần đầu vào Bộ Chính trị, Ban bí thư).
Cùng với việc hoàn thành phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, Hội nghị Trung ương 15 cũng giới thiệu nhân sự bốn chức danh lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ 2021-2026: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

… Đến bầu cử
Kết quả công tác nhân sự nêu trên đã được báo cáo đầy đủ với ĐH XIII và được 1.587 đại biểu biểu quyết thông qua. Tất nhiên, đây chỉ là phương án của BHC Trung ương khóa XII, còn thẩm quyền quyết định cuối cùng thuộc về BCH Trung ương khóa XIII vừa được bầu.
Tại Hội nghị lần thứ nhất hôm qua, Đoàn chủ tịch năm người do Tổng bí thư khóa XII Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã báo cáo nghị quyết của BCH Trung ương khóa XII về phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII. Trong đó, nhân sự bốn chức danh chủ chốt được dự kiến rõ sẽ đảm nhận công việc, vị trí gì. Ngay sau đó, BCH Trung ương khóa XIII từng bước triển khai công tác bầu cử.
Đầu tiên là bầu Bộ Chính trị.
Hội nghị thảo luận, biểu quyết về số lượng Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, mà như chúng tôi đã giới thiệu, Trung ương khóa XII đã xây dựng phương hướng công tác nhân sự, số lượng dự kiến Bộ Chính trị khóa XIII từ 17 đến 19 người, Ban bí thư từ 11 đến 13 người.
Tương tự như ở ĐH XIII, ở Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương vừa được bầu, ngoài danh sách ứng viên Bộ Chính trị do BCH Trung ương khóa XII giới thiệu, 180 ủy viên chính thức của Trung khóa XIII có quyền ứng cử, đề cử theo Điều lệ.
Tin từ hội nghị cho biết không có ứng cử, đề cử bổ sung nào ngoài danh sách Trung ương khóa XII đã giới thiệu.
Hội nghị cũng lập Ban kiểm phiếu; biểu quyết thông qua danh sách bầu Bộ Chính trị khóa XIII. Sau đó tiến hành bỏ phiếu, kiểm phiếu, rồi công bố kết quả danh sách trúng cử với 18 người trúng cử vào Bộ Chính trị. 
Sau khi hoàn tất việc bầu Bộ Chính trị, BCH Trung ương chuyển sang việc bầu Tổng bí thư khóa XIII, trong số ủy viên Bộ Chính trị vừa trúng cử. 
Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh Tổng bí thư và nhân sự được BCH Trung ương khóa XII đề cử cũng như ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa XII. Không có ứng cử, đề cử bổ sung nào và việc bầu Tổng bí thư khóa XIII hoàn tất với kết quả ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng khóa XII, được bầu làm Tổng bí thư khóa này. 
Tiếp đó là bầu Ban bí thư…
Cho dù đã bầu được Bộ Chính trị và Tổng bí thư khóa XIII, Đoàn chủ tịch vẫn tiếp tục công việc điều hành Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII để bầu một số ủy viên Ban bí thư.
Từ các ứng viên, sau vòng bỏ phiếu bầu Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII bầu ra năm bí thư Trung ương Đảng. 
Số lượng cần thiết của Ban bí thư là 11-13 người để thực hiện vai trò “lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng” theo Điều lệ. Như vậy, trong những ngày tới, Bộ Chính trị sẽ có những phân công cụ thể để phân công một số ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban bí thư…
Tiếp đó, BCH Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 19 ủy viên, bầu tiếp chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với quy trình, thủ tục tương tự, kết quả đúng phương án dự kiến. Ông Trần Cẩm Tú, người vừa trúng cử Bộ Chính trị khóa XIII, nắm cương vị chủ nhiệm của cơ quan kiểm tra Đảng khóa này. 
“Đoàn kết là sức mạnh” - một ủy viên Trung ương tái cử khóa XIlI nói với phóng viên. Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII đã diễn ra như thế, nghiêm túc, chặt chẽ; bầu một lần là đủ số lượng dự kiến.•

 Hôm nay, Đại hội XIII của Đảng bế mạc
Sớm một ngày so với chương trình, sáng nay (1-2), ĐH XIII của Đảng sẽ họp phiên bế mạc. Nhiều nội dung đã được chuẩn bị cho những giờ làm việc cuối cùng của 1.587 đại biểu của gần 5,2 triệu đảng viên trên cả nước.

Liên quan đến phương hướng, chiến lược, đánh giá, nhận định, các mục tiêu lớn trong văn kiện, trong những ngày ĐH, Đoàn chủ tịch đã phát phiếu xin ý kiến đại biểu về những nội dung có thể xem xét đưa ra biểu quyết riêng.

Như thường lệ, ở phiên bế mạc, Đoàn chủ tịch sẽ báo cáo kết quả Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII và Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ ra mắt.
Thay mặt BCH Trung ương vừa được ĐH bầu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu ý kiến. Sau đó, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết ĐH XIII. Rồi Tổng bí thư sẽ đọc diễn văn bế mạc.

Tin từ Trung tâm báo chí ĐH XIII, sẽ có một cuộc họp báo với sự tham dự của phóng viên trong nước và quốc tế để thông tin kết quả ĐH XIII ngay sau phiên bế mạc. NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm